Trang chủ Liên hệ       Thứ năm, Ngày 15/05/2025
 
 
THÔNG TIN
Giới Thiệu Hội
Trang Thể Thao
Sức khỏe & Đời sống
Ẩm thực Nghệ Tĩnh
Việt Nam Đất Nước Con Người
  -  Con Người Việt Nam
  -  Đất Nước Việt Nam
Khoa học & Môi Trường
Chuyện lạ đó đây
Nhịp cầu Nhân ái
DANH SÁCH TẤM LÒNG VÀNG
Tin tức Nghệ Tĩnh
Truyền thống Nghệ Tĩnh
Tâm sự cuộc sống
Văn hóa - Xã hội
Văn Nghệ
Thư Viện
Góc Cười
Tin Trong nước -Tin Quốc Tế -Tin Ucraina
Tin Cộng Đồng
Người Việt Trên Thế Giới
BÀI DỰ THI VỀ XỨ NGHỆ
QUẢNG CÁO

 
Trang chủ > Việt Nam Đất Nước Con Người >
  Cuộc hội ngộ của hai phóng viên chiến trường Cuộc hội ngộ của hai phóng viên chiến trường , Người xứ Nghệ Kiev
 

 

Họ là hai phóng viên chiến trường nổi tiếng; một của báo Quân Đội Nhân Dân, một của hãng tin AP. Những ngày tháng 4 lịch sử này, họ đã có cuộc hội ngộ xúc động ở Thành Cổ Quảng Trị.

Hai con người tài năng, khiêm nhường và từng đi qua chiến tranh ấy là ông Đoàn Công Tính và Nick Út. Chẳng cần phải giới thiệu nhiều về họ. Bởi chỉ cần nhắc đến tên bức ảnh “Em bé Napalm”, cả thế giới đều biết đó là tác phẩm của Nick Út. Và khi nhắc đến loạt ảnh về 81 ngày đêm Thành Cổ ác liệt năm 1972, chiến trường Đường 9 - Khe Sanh, hẳn người ta không thể quên tay máy lừng danh Đoàn Công Tính.


Đoàn Công Tính (phải) và Nick Út tại di tích lịch sử
trường Bồ Đề (thị xã Quảng Trị, Quảng Trị)
Ảnh: Thủy Thanh

Ký ức chiến tranh

Những ngày đầu tháng 4, khoảnh khắc chỉ còn cách vài ngày nữa là đất nước kỷ niệm ngày thống nhất, nhờ sự sắp xếp, tổ chức của Quỹ hoài niệm chiến trường xưa và đồng đội, Nick Út và Đoàn Công Tính đã có chuyến “trở về” xúc động ở Thành Cổ Quảng Trị. Vẫn với chiếc máy ảnh kè kè bên người nhưng bây giờ họ không còn là những chàng trai trẻ, xông xáo giữa đạn bom mà là hai người đàn ông lớn tuổi, tóc hoa râm với những ánh nhìn xa xăm chiêm nghiệm. Họ sánh bước cùng nhau, như những người bạn vong niên trên những con đường rợp bóng cây của thị xã Quảng Trị. Những nơi họ đến thăm là những nơi ghi dấu chiến tranh đến tận bây giờ: Thành Cổ, trường Bồ Đề, nhà thờ Trí Bưu... Kí ức tháng năm cũ như đang ùa về theo từng bước đi của họ.

“Từ trong sâu thẳm, chúng tôi muốn cảnh báo cho loài người tránh xa chiến tranh, chúng tôi không muốn con người bắn giết nhau”. (Nhiếp ảnh gia Đoàn Công Tính)

Với Nick Út, những câu chuyện về cái thời phải làm việc giữa điều kiện cái sống và cái chết cận kề luôn ám ảnh ông. Nhiều năm xa Việt Nam, ông vẫn giữ được giọng miền Nam gần gũi, cách diễn đạt hết sức súc tích và hấp dẫn.

Trong muôn vàn chuyện cũ, điểm nhấn vẫn là câu chuyện về bức ảnh “Em bé Napalm” Phan Thị Kim Phúc. Ông kể, đó là một ngày tháng 6.1972, Nick Út theo chân một sư đoàn của quân đội miền Nam về Trảng Bàng (Tây Ninh). Đoàn báo chí đi rất đông và trong ngày ông đã chụp rất nhiều ảnh. Toan quay lại thì ông bất ngờ phát hiện một em bé trần truồng vừa chạy trên đường vừa la thất thanh, đó là Phan Thị Kim Phúc.

Sau một thoáng kinh hãi, Nick Út vội giơ máy ảnh, chụp liên tục. Ngoài công việc của một phóng viên, Nick Út còn là một con người thiện tâm, ông đã không bỏ rơi “nhân vật” của mình mà mượn tấm áo khoác lên người cô bé rồi chở thẳng đến bệnh viện tại Củ Chi. “Ban đầu người ta từ chối tiếp nhận vì bệnh viện này đã quá tải, tôi đã phải dùng đến thẻ phóng viên để gây áp lực cho họ cấp cứu”, Nick Út nói.

Theo phóng viên của hãng tin AP thì chụp ảnh là một chuyện, còn chuyển ảnh đi lại là chuyện khác. Bởi sau khi rửa ảnh, ông mang đến cho một biên tập viên của văn phòng AP tại Sài Gòn và người này đã định từ chối. Tuy vậy, vị lãnh đạo của văn phòng đã nghĩ ngược lại, ông ta yêu cầu gửi gấp về trung tâm. Sáng hôm sau, tấm ảnh “Em bé Napalm” lên trang bìa tờ New York Times, nhiều tờ báo khác trên thế giới dẫn lại cũng đăng trang bìa.

“Tấm ảnh đó đã gây xúc động cho nhiều người và dấy lên một làn sóng phản chiến mạnh mẽ trong nước Mỹ và trên toàn thế giới. Đến nay nhiều người vẫn cho rằng đó là một trong những tấm ảnh có tính ám ảnh về chiến tranh Việt Nam. Cũng nhờ tấm ảnh này, Kim Phúc đã được rất nhiều bác sĩ giỏi quan tâm, cô thoát chết và về sau làm được rất nhiều điều lớn lao”, Nick Út kể.

Ký ức về chiến tranh của nhiếp ảnh gia Đoàn Công Tính không kém phần dữ dội. Những nơi ông tác nghiệp trong chiến tranh chỉ cần nhắc tên đã đủ thấy sự khốc liệt. Là phóng viên hiếm hoi lọt vào “chảo lửa” Thành Cổ Quảng Trị, Đoàn Công Tính đã có những bức hình tái hiện lại cuộc chiến đấu 81 ngày đêm của mùa hè năm 1972 không thể chân thật hơn.

Thăm lại nơi được ví là “nấm mồ chung” bên dòng Thạch Hãn, cựu phóng viên tờ Quân Đội Nhân Dân đã không giấu được xúc động: “Cuộc chiến đấu trong Thành Cổ vô cùng gian nan khốc liệt, không một giây phút nào bom đạn ở đây ngừng rơi, bao nhiêu chiến sĩ vượt sông vào mặt trận thì có bấy nhiêu người hy sinh. Tuy nhiên, giữa cái khốc liệt đấy, tôi thấy tinh thần lạc quan, vui tươi, hồn nhiên của người lính sau mỗi trận đánh, và niềm hạnh phúc khi đọc những lá thư từ hậu phương”.

Và Đoàn Công Tính đã ghi lại được những khoảnh khắc không thể quên: Nụ cười bên Thành Cổ Quảng Trị, Nắng dưới lòng đất, Đánh chiếm căn cứ Đầu Mầu, Tình đồng đội... Người ta nói, ông đã cho nhiều người trên khắp thế giới biết về một “góc nhìn khác” của chiến tranh.

Cảm nhận về hòa bình

Đoàn Công Tính và Nick Út đã có nhiều lần đi riêng lẽ về thăm Quảng Trị, hai ông cũng đã gặp nhau vài lần nhưng đây là lần đầu tiên họ hội ngộ ở Thành Cổ. Cảm nhận được sự đổi thay của mảnh đất này sau chiến tranh, Nick Út đã không khỏi xúc động. Ông kể cách đây hơn 40 năm, có đến Quảng Trị trên một chiếc xe tăng của quân đội miền Nam. Ngày đó, ông chỉ thấy đạn bom, người chết, người chạy loạn, những ngôi nhà loang lổ, những mảnh đất bị xới tung. Nhưng nay, ngoài di tích trường Bồ Đề vẫn còn để nguyên trạng trong đổ nát, thị xã Quảng Trị đã thay đổi đến bất ngờ.

Một tuần sau cuộc gặp xúc động ấy, trao đổi với Thanh Niên Online, nhiếp ảnh gia Đoàn Công Tính khẳng định: “Tôi và Nick Út không hề xa lạ, từng lăn lộn trong chiến tranh, cùng là phóng viên, chúng tôi như đã đồng cảm và khâm phục nhau dù gặp gỡ không nhiều. Nick Út đã để lại nhiều ấn tượng trong tôi, anh ấy có những tác phẩm lớn và có đóng góp cho sự nghiệp thống nhất nước nhà. Ai đó từng nói, trong chiến tranh, một tác phẩm báo chí tốt có sức mạnh bằng cả một sư đoàn, Nick Út đã làm được điều đó”.

Theo ông Tính, những tác phẩm của ông và Nick Út dù phản ánh về chiến tranh nhưng cũng chính là giúp chấm dứt chiến tranh. “Từ trong sâu thẳm, chúng tôi muốn cảnh báo cho loài người tránh xa chiến tranh, chúng tôi không muốn con người bắn giết nhau”, ông Tính nhấn mạnh.

“Chủ trương của chúng ta thời chiến là hòa hợp dân tộc. Nhưng giai đoạn đầu sau chiến tranh, chúng ta đã phạm phải một số sai sót nên đẩy một bộ phận nào đó tránh xa Việt Nam. Bây giờ chúng ta vẫn còn nhiều khó khăn, ngọn cờ hòa hợp dân tộc cần phải giương cao lại, cùng bỏ qua hận thù để vượt qua tất cả. Nếu là hòa hợp dân tộc chân chính thì không có gì phải e ngại”, cựu phóng viên chiến trường Đoàn Công Tính chia sẻ.

Nguyễn Phúc - Thủy Thanh. (Thanh Niên Online).


  Các Tin khác
  + Chiến thắng lịch sử 30/4 tạo nguồn cảm hứng, sức bật mới cho Việt Nam (02/05/2025)
  + 50 năm non sông liền một dải: Trái tim rực lửa tự hào! (01/05/2025)
  + 50 năm non sông liền một dải: Đại lễ của lịch sử (01/05/2025)
  + Vũ khí và khí tài tối tân tại lễ diễu binh 30.4 ở TP.HCM (30/04/2025)
  + LỄ DIỄU HÀNH MỪNG 50 NĂM NGÀY HỘI NON SÔNG 30.4. 1975- 30.4.2025 (30/04/2025)
  + Pháo thủ trên xe tăng 390 kể khoảnh khắc húc đổ cổng Dinh Độc Lập (28/04/2025)
  + Gieo mầm sáng tạo trên nền giấy xưa (27/04/2025)
  + Vẻ đẹp xuyên thời gian của TPHCM qua ''50 khoảnh khắc'' (23/04/2025)
  + Hồi ức ngày 30/4 của nữ biệt động duy nhất đánh vào Dinh Độc Lập Tết Mậu Thân (22/04/2025)
  + Chương trình nghệ thuật "Đất Nước trọn niềm vui" kỷ niệm ngày thống nhất đất nước 30.4.1975 (22/04/2025)
  + Ký ức “những năm bom Mỹ trút trên mái nhà” (20/04/2025)
  + Không cần đi xa, Hà Nội cũng có mùa hoa vàng như mơ (15/04/2025)
  + Thân thương bánh giò Hà Nội (12/04/2025)
  + Nhộn nhịp du khách về thăm khu di tích địa đạo Củ Chi (08/04/2025)
  + Bầu trời Việt Trì rực sáng 15 phút, dân đổ về chiêm ngưỡng dịp Giỗ Tổ Hùng Vương (07/04/2025)
  + Hội truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh Việt Nam Sư đoàn 470 kỷ niệm 55 năm Ngày thành lập (06/04/2025)
  + Nữ đại tá tình báo giỏi nhất Việt Nam, được đặt tên cho 2 con đường là ai? (02/03/2025)
  + 50 năm Chiến thắng Tây Nguyên, nghệ thuật quân sự trong tác chiến chiến dịch (28/02/2025)
  + Ngôi nhà cổ hơn 240 tuổi có 80 cột gỗ lim ở Hội An (30/01/2025)
  + Chân dung 2 giáo sư Việt được bầu là viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Thế giới (06/12/2024)
Playlist

GIỚI THIỆU
QUẢNG CÁO
Thống kê
Guests online: 6
Total: 70146795

 
 
 
Người xứ nghệ Kiev
Designed by July