Trang chủ Liên hệ       Thứ tư, Ngày 24/04/2024
 
 
THÔNG TIN
Giới Thiệu Hội
Trang Thể Thao
Sức khỏe & Đời sống
Ẩm thực Nghệ Tĩnh
Việt Nam Đất Nước Con Người
  -  Con Người Việt Nam
  -  Đất Nước Việt Nam
Khoa học & Môi Trường
Chuyện lạ đó đây
Nhịp cầu Nhân ái
DANH SÁCH TẤM LÒNG VÀNG
Tin tức Nghệ Tĩnh
Truyền thống Nghệ Tĩnh
Tâm sự cuộc sống
Văn hóa - Xã hội
Văn Nghệ
Thư Viện
Góc Cười
Tin Trong nước -Tin Quốc Tế -Tin Ucraina
Tin Cộng Đồng
Người Việt Trên Thế Giới
BÀI DỰ THI VỀ XỨ NGHỆ
QUẢNG CÁO

 
Trang chủ > Việt Nam Đất Nước Con Người >
  Nên hiểu thế nào về ngày Quốc khánh? Nên hiểu thế nào về ngày Quốc khánh? , Người xứ Nghệ Kiev
 

(GDVN) - Tuyên ngôn độc lập của một quốc gia cho thấy bản thân quốc gia đó đã tồn tại nhưng bị đô hộ hoặc bị phụ thuộc vào quốc gia khác.

Trong nhiều từ điển tiếng Việt, “Quốc khánh” được giải thích “Là ngày lễ lớn hàng năm, kỷ niệm ngày thành lập nước”. [1], [2], [3]

Đây là cách giải thích sai lệch, không đúng quy định nêu trong khoản 4 điều 13 Hiến pháp Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam năm 2013, theo đó:

“Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là ngày Tuyên ngôn độc lập 2 tháng 9 năm 1945”.

Quốc khánh là ngày “Tuyên ngôn độc lập” (2/9/1945), ngày khai sinh ra “Nhà nước dân chủ cộng hòa”, thoát khỏi sự đô hộ của thực dân Pháp, không phải ngày thành lập nước.

Ngày Quốc khánh nghĩ về bản Tuyên ngôn độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh

 

Xin nêu một vài giải thích sơ sài nhưng cần thiết cho ý kiến nêu trên:

Nhà nước là tổ chức xã hội đặc biệt của quyền lực chính trị.

Giai cấp hoặc tầng lớp thống trị thành lập Nhà nước nhằm thực hiện quyền lực của mình.

Những thế lực nắm quyền điều hành kinh tế, chính trị, xã hội thường chiếm quyền điều hành Nhà nước. Một quốc gia trải qua các thời kỳ lịch sử có thể có những Nhà nước khác nhau.

Quốc gia (người Việt còn gọi là “Nước” hay “Đất nước”) là một vùng lãnh thổ có chủ quyền, có chính quyền và công dân (là người thuộc các dân tộc sinh sống hợp pháp trên lãnh thổ đó);

Công dân mỗi quốc gia gắn với bó với nhau bằng luật pháp, quyền lợi, văn hóa, tôn giáo, ngôn ngữ, chữ viết,… và có thể bao gồm những người nước ngoài chấp nhận nền văn hóa, lịch sử, pháp luật,… của quốc gia đó.

Lễ kỷ niệm 70 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9/2015. (Ảnh: VTV News)

Tuyên ngôn độc lập của một quốc gia cho thấy bản thân quốc gia đó đã tồn tại nhưng bị đô hộ hoặc bị phụ thuộc vào quốc gia khác.

Không phải khi tuyên ngôn độc lập thì quốc gia đó mới được thành lập.

Trước năm 1945, nước Việt Nam đã tồn tại nhưng bị Pháp đô hộ, tổ chức bộ máy nhà nước bị phân thành ba xứ với ba chế độ cai trị khác nhau, Nam Kỳ là thuộc địa, Trung Kỳ là phong kiến và Bắc Kỳ nửa thuộc địa, nửa phong kiến.

Vì lẽ đó không thể nói ngày 2/9/1945 là ngày thành lập nước mà chính xác phải là ngày “Tuyên ngôn độc lập” hay nói ngắn gọn là “Ngày Độc lập”.

“Ngày Độc lập” là ngày dân tộc Việt Nam phá bỏ xiềng xích thực dân, cũng đồng thời chấm dứt chế độ quân chủ (phong kiến) xây dựng một Nhà nước mới hướng tới lý tưởng một nhà nước “của dân, do dân và vì dân”.  

Cách mạng tháng Tám qua hồi ức của các tướng lĩnh

 

Các tài liệu nước ngoài nói ngày “Quốc khánh” của Việt Nam như sau:

“National Day (Vietnamese: Ngày Quốc Khánh) is a national holiday in Vietnam observed on September 2, commemorating the Vietnam Declaration of Independence from France on September 2, 1945. It is the country’s National Day”.

(Tạm dịch: Ngày Quốc khánh là ngày lễ quốc gia của Việt Nam, kỷ niệm tuyên ngôn độc lập của Việt Nam khỏi (ách thống trị của thực dân - NV) Pháp. Đó là ngày “quốc lễ” của đất nước - Bách khoa toàn thư mở).

Về mặt lịch sử, nước Việt Nam đã được thành lập từ hàng nghìn năm trước.

Theo truyền thuyết, nước Việt Nam, dân tộc Việt Nam có bề dày hơn 4.000 năm lịch sử, nhà nước đầu tiên của người Việt có tên là Xích Quỷ và vị vua Đầu tiên là Kinh Dương Vương.

Nước Xích Quỷ tồn tại khoảng 350 năm (2879-2524 trước công nguyên) cho đến nay đã được khoảng 4.500 năm.

Hiện nay vẫn còn Lăng và đền thờ Thủy tổ Kinh Dương Vương tại thôn Á Lữ, xã Đại Đồng Thành, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh.

Tại đây lăng mộ Kinh Dương Vương và đền thờ các vị Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân, Âu Cơ đã được xây dựng từ lâu đời và được tu bổ lập bia từ năm Minh Mệnh thứ 21 (1840). [4]

Việc Nhà nước quy định lấy ngày 10 tháng 3 âm lịch làm ngày giỗ tổ và chọn đền thờ các Vua Hùng ở Phú Thọ làm đền thờ tổ có thể là do hoàn cảnh lịch sử (thiếu thông tin) hoặc những lý do khác, chẳng hạn dựa vào câu ca dao lưu truyền từ lâu đời:

Dù ai đi ngược về xuôi; Nhớ ngày giỗ tổ mồng 10 tháng ba”.

Hồ Chủ tịch từng nói: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.

Quốc Khánh 2/9 được bảo vệ như thế nào?

 

Đáng tiếc là do việc tuyên truyền, quảng bá còn hạn chế nên ít người biết về Kinh Dương Vương và khu di tích bên bờ sông Đuống thuộc địa phận tỉnh Bắc Ninh, vì thế ít người về thăm viếng, thắp nén hương trầm tưởng nhớ vị Thủy tổ người Việt.

Dựa vào tư liệu lịch sử thì cho tới thời Hai Bà Trưng, mảnh đất mà người Việt ngày nay sinh sống đa phần đều bị người Hán đô hộ, nước Việt Nam ngày nay trong lịch sử từng là Cửu Chân, Giao Chỉ, Nhật Nam và phần đất phía nam tỉnh Bình Định.

Người đầu tiên có công lập quốc theo sử Bắc (Tự trị thông giám) hay theo sử Nam (Việt đế, Nam đế) là Hoàng đế Lý Bí.

Cố Giáo sư Trần Quốc Vượng, trong một bài đăng trên báo Nhandan.com.vn đã viết:

“Lý Bí là người Việt Nam đầu tiên tự xưng hoàng đế, Việt đế theo sử Bắc (Tự trị thông giám) hay Nam đế theo sử Nam.

Và bãi bỏ chính sóc (lịch) của Trung Quốc, ông cũng đặt cho Vạn Xuân và triều đại mới một niên hiệu riêng, Đại Đức theo sử Bắc hay Thiên Đức theo sử Nam (Thiên Đức phải hơn, vì khảo cổ học đã tìm thấy những đồng tiền Thiên Đức đúc thời Lý Nam Đế). [5]

Vậy phải chăng ngày thành lập nước Việt phải là ngày Hoàng đế Lý Bí (triều Tiền Lý) xưng đế và thành lập nước Vạn Xuân (tháng 2 năm 544 sau công nguyên)?

Sử Việt và sử nước ngoài ghi nhận năm 967, Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân, thống nhất đất nước.

Năm 968 Ngài lên ngôi Hoàng đế, đặt tên nước là Đại Cồ Việt, định đô ở Hoa Lư - Ninh Bình, đời sau gọi Ngài là Đinh Tiên Hoàng.

Năm 970, Vua Đinh Tiên Hoàng bỏ niên hiệu của nhà Tống, đặt niên hiệu mới là “Thái Bình”.

Với việc xưng đế, đặt tên nước, xây dựng kinh đô, định niên hiệu, Vua Đinh Tiên Hoàng đã khẳng định việc thành lập nhà nước Quân chủ Trung ương tập quyền đầu tiên sau nhiều thế kỷ bị bọn phong kiến phương Bắc đô hộ.

Chỉ có một chút chưa rõ mà đời sau vẫn cố công tìm kiếm, ấy là có hay không việc Vua Đinh Tiên Hoàng ban chiếu bố cáo thiên hạ về việc hoạch định cương thổ nước Đại Cồ Việt, quốc gia chưa từng tồn tại trong lịch sử?

Sở dĩ nói Đại Cồ Việt chưa từng tồn tại trong lịch sử vì khác với Vạn Xuân, nước Đại Cồ Việt chủ yếu bao gồm vùng Bắc bộ và Bắc Trung bộ ngày nay (từ Nghệ An trở ra) trong khi nước Vạn Xuân mở rộng lên phía Bắc, bao gồm một phần Hợp Phố (gần bán đảo Lôi Châu, thuộc tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc).

Nói một chút về lịch sử để thấy, việc biên soạn từ điển mà thiếu kiến thức lịch sử sẽ tai hại thế nào.

Bên cạnh đó, những khiếm khuyết trong việc dạy và học môn Lịch sử trong chương trình phổ thông có phải cũng chính là nguyên nhân khiến người Việt ngày nay hiểu biết khá hạn chế về lịch sử đất nước và dân tộc mình?

Báo Infonet.vn viết: “Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản “Tuyên ngôn Độc lập” lịch sử do chính Người chuẩn bị, trịnh trọng tuyên bố trước toàn thế giới về sự ra đời của một nhà nước mới: Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”. [6]

Độc lập, tự do - khát vọng ngàn đời của người dân đất Việt

 

Infonet.vn đã chính xác khi viết về sự ra đời của “Nhà nước mới” chứ không phải “Nước hay Quốc gia mới”.

Chính vì thế nói ngày 2/9/1945 là ngày thành lập “Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa” là chưa chính xác.

Dù chính kiến có khác nhau, dù là người Việt hay các dân tộc khác, có một sự thật không thể phủ nhận là Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9/1945 đã đánh dấu kỷ nguyên mới trong lịch sử đất nước và dân tộc Việt.

Lần đầu tiên người Việt - với tư cách công dân một quốc gia có chủ quyền - tiếp xúc với khái niệm “Nhà nước Việt Nam - Dân chủ - Cộng hòa”, điều dưới chế độ thực dân - phong kiến không thể nào có được.

Hơn 70 năm qua, đất nước và dân tộc đã bước qua bao thăng trầm, đã có lúc bạn trở thành thù và cũng có lúc thù biến thành bạn.

Vượt lên tất cả thách thức cả trong lẫn ngoài, nước Việt đã trở thành một quốc gia với ngót trăm triệu dân, với nền kinh tế năng động và mức thu nhập được xếp hạng trung bình trên thế giới.

Vậy thì chẳng lẽ người Việt không bao giờ thua?

Với trái tim nóng và khối óc tỉnh táo, với sự tôn trọng dành cho những người đã góp công hình thành nước Việt ngày nay, chúng ta phải thừa nhận, người Việt đang thua chính mình.

Thoát khỏi chiến tranh ít nhất cũng gần ba chục năm, tham gia vào nền kinh tế thị trường đương nhiên phải biết “Thương trường là chiến trường”.

Vậy vì sao nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của chúng ta lại sản sinh ra nhiều tập đoàn, tổng công ty nhà nước làm ăn thua lỗ triền miên như vậy?

Vì sao không ít doanh nghiệp nước ngoài dễ dàng trốn thuế tại Việt Nam như vậy?

Vì sao cho đến nay, một nhà nước được xác định là “Của dân, do dân và vì dân” lại sản sinh ra đội ngũ cán bộ, công chức mà trong đó có cả “một bầy sâu”?

Ngôn từ chính thức cho “bầy sâu” là “bộ phận không nhỏ”, chúng đang hàng ngày đục khoét ngân sách, làm băng hoại đạo đức xã hội.

Sai lầm về chiến lược kinh tế chỉ là một phần, sai lầm về đầu tư cho con người mới là sai lầm nguy hại nhất cho sự tồn vong của quốc gia, dân tộc.

 

Tháng 9 năm 1945 – Những sự kiện tiêu biểu

 

Người Việt, không chỉ người bình thường, ngay cả giới được xem là tinh hoa cũng kém sáng tạo hơn đồng nghiệp ở khu vực (chưa kể châu lục hoặc thế giới);

Lãnh đạo cấp tỉnh, cấp bộ luôn phải xin ý kiến, chờ chỉ thị; Vận động viên Việt Nam thi đấu ở nước ngoài luôn thua kém bạn bè về tầm vóc và thể lực;…

Đó mới chỉ là vài nét chấm phá về người Việt hiện tại.

Nhận thức được điều đó, Hội nghị Trung ương 7 khóa 12 đã nêu định hướng về công tác cán bộ:

Đến năm 2030: Cơ bản xây dựng được đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là cấp chiến lược ngang tầm nhiệm vụ.

Cụ thể là: Đối với cán bộ cấp chiến lược: Thực sự tiêu biểu về chính trị, tư tưởng, phẩm chất, năng lực và uy tín; trên 15% dưới 45 tuổi; từ 40 - 50% đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế…”.

Cán bộ phải chọn trong cộng đồng hơn 90 triệu công dân, nếu dân tộc còi cọc về thể lực, giảm sút về trí tuệ thì làm sao để có cán bộ đúng tầm.

Hy vọng trong tương lai sẽ có một nghị quyết về định hướng xây dựng “Con người Việt Nam” với tầm nhìn xuyên suốt thế kỷ 21.

Với Nghị quyết 7, phải đến năm 2030 nghĩa là phải 12 năm nữa chúng ta mới có được 40-50% cán bộ “đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế”.

Vậy trong khi chờ đợi, các cơ quan chức năng cần phải làm gì khi chúng ta đang ngày càng hội nhập quốc tế sâu rộng?

Liệu chúng ta sẽ vừa làm, vừa rút kinh nghiệm hay chờ chuẩn bị xong đội ngũ cán bộ “đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế”?

Những danh nhân đất Việt thời hiện đại, từ Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Nguyễn Thái Học đến Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp,… đều là những tấm gương yêu nước, thương nòi.

Thành công của Cách mạng tháng Tám là sự nối tiếp truyền thống cha ông để lại, là sự hy sinh xương máu của hàng triệu con dân nước Việt, không phải công lao của riêng cá nhân nào.

Được dân tin, dân ủng hộ sẽ thành công, mất niềm tin nơi dân sẽ thất bại, điều này ai cũng biết, sách báo đã nhắc đến quá nhiều, vấn đề còn lại là làm gì để nhân dân ủng hộ chủ trương, đường lối và nhất là để dân tin cán bộ.

Kỷ niệm ngày Tuyên ngôn độc lập bằng những buổi mít tinh, những đêm văn nghệ vốn là điều đã diễn ra từ nhiều thập kỷ.

Liệu có nên thay đổi từ những việc nhỏ nhất như bớt hoa trên lễ đài, bớt những sân khấu hoành tráng mà thay bằng những việc làm cụ thể?

Đến bao giờ ngày khai trường vào dịp Quốc khánh, trẻ em và cha mẹ không còn nỗi lo những lớp học đông tới 60-70 học sinh.

Niềm hân hoan của người dân trong ngày Độc lập không phản chiếu từ màu sắc của pháo hoa mà từ dòng máu Lạc Hồng chảy trong huyết quản.

Tài liệu tham khảo:

[1]http://tratu.soha.vn/dict/vn_vn/Qu%E1%BB%91c_kh%C3%A1nh

[2]http://tratu.coviet.vn/hoc-tieng-anh/tu-dien/lac-viet/all/qu%E1%BB%91c+kh%C3%A1nh.html

[3]http://www.xn--t-in-1ua7276b5ha.com/qu%E1%BB%91c%20kh%C3%A1nh

[4] http://vufo.org.vn/Lang-va-den-tho-Thuy-to-Kinh-Duong-Vuong-35-2797.html?lang=vn

[5] http://www.nhandan.com.vn/vanhoa/dong-chay/chan-dung/item/7960602-.html

[6]https://infonet.vn/ngay-quoc-khanh-29gia-tri-lich-su-y-nghia-thoi-dai-cua-ban-tuyen-ngon-doc-lap-post208010.info

Xuân Dương
http://giaoduc.net.vn/Goc-nhin/Nen-hieu-the-nao-ve-ngay-Quoc-khanh-post189332.gd

  Các Tin khác
  + Khám phá 22 hang động kỳ vĩ mới được phát hiện tại Quảng Bình (19/04/2024)
  + 18 đời vua Hùng gồm những ai? Tên gọi chính xác của các vị vua là gì? (17/04/2024)
  + Ảnh ấn tượng về các lực lượng tham gia diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (05/04/2024)
  + 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ Đại tướng Phan Văn Giang: Vũ khí cá nhân mới của quân đội tốt hơn AK47 (05/04/2024)
  + Chiêm ngưỡng sắc đỏ của cây hoa gạo trăm tuổi "đẹp nhất" Ninh Bình (03/04/2024)
  + Hoa gạo rực đỏ bên ngôi chùa cổ kính nghìn năm tuổi ở Hà Nội (23/03/2024)
  + Những bông hoa y tế vùng cao và chuyện băng rừng trong đêm đi đỡ đẻ (06/03/2024)
  + Kỷ niệm 80 ngày thành lập QĐNDVN: Sẽ tổ chức Triển lãm Quốc phòng quốc tế và mít tinh cấp Nhà nước (26/01/2024)
  + MŨI NÉ VÀO TOP ĐIỂM BAY KHINH KHÍ CẦU ĐẸP NHẤT THẾ GIỚI (02/04/2023)
  + Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh: (12/03/2023)
  + Hàng nghìn người khai hội gò Đống Đa xuân Quý Mão (26/01/2023)
  + Hiệp định Paris - thành quả đấu tranh kiên cường, bất khuất và hy sinh to lớn của quân dân Việt Nam (17/01/2023)
  + Cánh đồng Tà Pạ đẹp lạ như phim, dân mạng đang “phát sốt” tìm xem ở tỉnh nào của miền Tây (23/12/2022)
  + Mây tràn khắp lối, du khách ùn ùn kéo tới Sa Pa check-in khung cảnh bồng bềnh (06/12/2022)
  + Ly kỳ 2 quả núi cùng tên “kẹp” một dòng sông (26/11/2022)
  + Độc đáo bức tường bằng đá ong hàng trăm năm tuổi ở làng cổ Yên Trường (26/11/2022)
  + Cuộc đời cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt qua ảnh (21/11/2022)
  + ĐỘC ĐÁO LỄ HỘI ĐUA THUYỀN ĐỘC MỘC TRÊN SÔNG PÔ KÔ (11/11/2022)
  + NGHỆ NHÂN LÝ THỊ NHIỄN TÂM HUYẾT GÌN GIỮ VĂN HÓA DÂN TỘC CHÂU RO (10/11/2022)
  + “SỨ MÓNG CÁI, VẠI HƯƠNG CANH” (08/11/2022)
Playlist

GIỚI THIỆU
 

Kính thưa quý độc giả 

Website nguoixunghekiev.vn

hoạt động chính thức từ tháng

10/2012. và  phi lợi nhuận.

Trang tin đăng tải tin tức 

của cộng đồng người Việt tại Kiev

và toàn Ucraina, đồng thời lấy tin 

từ các trang báo mạng khác trên

nguyên tắc trích dẫn nguyên bản 

đường nguồn chính. Là những

người làm báo không chuyên nên

chắc chắn sẽ gặp sai sót không

mong muốn, chúng tôi sẽ tiếp thu 

chân thành những góp ý xây dựng 

của quý độc giả để cho trang tin 

ngày càng hoàn thiện hơn, xin gửi

về mục liên hệ trên mặt báo hoặc

Email: hosytruc@gmail.com

ĐT: 093-712-24-57

093-973-97-39

Xin trân trọng cảm ơn.

Biên tập: Hồ Sỹ Trúc

 

 

 
 
 

 

 


QUẢNG CÁO
Thống kê
Guests online: 2
Total: 60294347

 
 
 
Người xứ nghệ Kiev
Designed by July