Cũng theo quy hoạch, đến năm 2030, khu bến Vũng Áng có quy mô 7 bến cảng (gồm 12 cầu cảng) với tổng chiều dài 3.216 m, thông qua từ 13,75 triệu tấn đến 18,5 triệu tấn hàng hóa.
Trong đó, bến cảng Vũng Áng có 6 cầu cảng, tiếp nhận tàu tổng hợp đến 70.000 tấn và tàu container đến 4.000 TEU; bến cảng Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1 có 2 cầu cảng; bến cảng Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 2 có 1 cầu cảng tổng hợp; bến cảng xăng dầu LPG Vũng Áng: 2 cầu cảng hàng lỏng/khí và bến cảng chuyên dùng có 1 cầu cảng hàng lỏng.
![]() |
Hoạt động XNK diễn ra nhịp nhàng tại cảng Vũng Áng. Ảnh: H.Nụ |
Khu bến Sơn Dương có quy mô lớn nhất, thông qua từ 31 - 63,5 triệu tấn hàng hóa. Khu bến này được quy hoạch 3 bến cảng với 20 - 28 cầu cảng; trong đó khu bến Sơn Dương – khu bến Formosa có 18 - 25 cầu cảng phục vụ hàng tổng hợp, hàng rời, tiếp nhận tàu trọng tải đến 300.000 tấn…
Bến cảng Xuân Hải, Xuân Phổ (nay thuộc xã Đan Hải) gồm 2 bến cảng với 3 cầu cảng, tiếp nhận tàu đến 2.000 tấn. Bến cảng xăng dầu Xuân Giang (nay thuộc xã Nghi Xuân) có 1 cầu cảng hàng lỏng dài 100 m. Bến cảng Cửa Sót là bến hàng rời (tiềm năng), phục vụ công nghiệp khai khoáng.
Ngoài ra, các bến phao, khu neo chờ, khu chuyển tải, khu tránh, trú bão được xác định vị trí ngoài khơi khu bến Vũng Áng và các khu vực khác đủ điều kiện.
Mục tiêu đến năm 2030, hàng hóa thông qua từ 46,3 triệu tấn đến 83,5 triệu tấn (trong đó hàng container từ 0,1 triệu TEU đến 0,14 triệu TEU). Về kết cấu hạ tầng, có tổng số 13 bến cảng gồm 36 - 44 cầu cảng với tổng chiều dài từ 7.509 m đến 9.653 m (chưa bao gồm các bến cảng khác).
Tầm nhìn đến năm 2050 đáp ứng nhu cầu thông qua hàng hóa với tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng từ 3,6%/năm đến 4,5%/năm và tiếp tục phát triển các bến cảng mới đáp ứng nhu cầu thông qua hàng hóa.
Theo quy hoạch, nhu cầu vốn đầu tư hệ thống cảng biển đến năm 2030 khoảng 14.017 tỷ đồng, gồm: vốn đầu tư cho hạ tầng hàng hải công cộng khoảng 1.727 tỷ đồng và nhu cầu vốn đầu tư cho bến cảng khoảng 12.290 tỷ đồng (chỉ bao gồm các bến cảng kinh doanh dịch vụ xếp dỡ hàng hóa).
Các dự án ưu tiên đầu tư gồm: Kết cấu hạ tầng hàng hải công cộng như cải tạo, nâng cấp luồng hàng hải Vũng Áng cho tàu đến 50.000 tấn và hệ thống đê chắn sóng (giai đoạn 2); kết cấu hạ tầng phục vụ công tác bảo đảm an toàn hàng hải như khu neo chờ tránh, trú bão, hệ thống giám sát và điều phối giao thông hàng hải (VTS); đầu tư xây dựng bến công vụ, cơ sở vật chất phục vụ nhiệm vụ quản lý nhà nước chuyên ngành và các bến cảng tại khu bến Vũng Áng, Sơn Dương.
![]() |
Tàu hàng bốc xếp dỡ hàng hóa tại cảng Sơn Dương (Vũng Áng, Hà Tĩnh). Ảnh: H. Nụ |
Giải pháp về huy động vốn đầu tư, UBND tỉnh Hà Tĩnh đưa ra mục tiêu tiếp tục hoàn thiện cơ chế và các điều kiện để huy động đa dạng các nguồn lực trong và ngoài nước tham gia đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng cảng biển theo quy hoạch và thể chế hóa các giải pháp về phân cấp, phân quyền huy động nguồn lực; khai thác nguồn lực từ quỹ đất, mặt nước, nguồn thu từ cho thuê khai thác kết cấu hạ tầng bến cảng đầu tư từ nguồn ngân sách.
Ngoài ra, tỉnh Hà Tĩnh cũng khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, DN thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển, khai thác cảng biển; tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng cảng biển; tăng cường vai trò của DN trong việc chia sẻ trách nhiệm đầu tư, bảo trì kết cấu hạ tầng công cộng tại cảng biển như một phần trong dự án đầu tư khai thác cảng biển của DN…
Với nhiều điểm sáng trong thu hút đầu tư những tháng đầu năm, Hà Tĩnh đang tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong giai đoạn tới, trên cơ sở Quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Hà Tĩnh xác định tập trung thu hút nguồn lực đầu tư từ khu vực kinh tế tư nhân theo đúng định hướng Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 4/5/2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân.
Theo báo cáo từ Ban Quản lý KKT tỉnh Hà Tĩnh, 6 tháng đầu năm 2025, Hà Tĩnh đã thu hút 20 dự án đầu tư, trong đó có 2 dự án FDI. So với cùng kỳ năm 2024, số lượng dự án tăng thêm 3 và tổng vốn đăng ký gấp 3 lần. Cũng trong 6 tháng đầu năm nay, đơn vị đã thực hiện cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 10 dự án, trong đó có 8 dự án trong nước với tổng vốn đầu tư 14.072 tỷ đồng và 2 dự án nước ngoài với tổng vốn đầu tư 12,93 triệu USD. Trong đó, một số dự án quy mô lớn được chấp thuận như: Khu đô thị mới tại thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc cũ (nay là xã Can Lộc) với tổng vốn đăng ký hơn 1.300 tỷ đồng; Công viên Nghĩa trang Thiên Cầm với tổng vốn đăng ký hơn 145 tỷ đồng; Khu dân cư An Hòa Thịnh tại xã An Hòa Thịnh, huyện Hương Sơn cũ (nay là xã Sơn Tiến) với tổng vốn đăng ký hơn 195 tỷ đồng… Đáng chú ý phải kể đến là 2 dự án có vốn FDI vào KKT Vũng Áng, bao gồm: Nhà máy sản xuất tinh luyện Ferro Chromnium Cacbon thấp Lirr Việt Nam và nhà máy sản xuất cây thông Noel nhân tạo. Thống kê đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh Hà Tĩnh có hơn 1.550 dự án quy mô với tổng vốn đầu tư khoảng 550.000 tỷ đồng; trong đó có hơn 1.480 dự án trong nước với tổng vốn đầu tư hơn 150.000 tỷ đồng; 73 dự án nước ngoài với tổng vốn đầu tư hơn 16,1 tỷ USD. |
Tác giả: Nụ Bùi
Nguồn tin: haiquanonline.com.vn