Ukraina và Hoa Kỳ đã ký thỏa thuận hợp tác kinh tế (thỏa thuận về tài nguyên khoáng sản). Phó Thủ tướng thứ nhất - Bộ trưởng Kinh tế Ukraina Yulia Svyrydenko và Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Scott Bessent đã ký văn bản này vào ngày 30.04.2025.
Ảnh: Yulia Svyrydenko, Phó Thủ tướng thứ nhất - Bộ trưởng Bộ Kinh tế Ukraine (Vitaly Nosach, RBC-Ukraine)
RBC-Ukraina đưa tin về điều này dựa theo trang Facebook của Phó Thủ tướng Svyrydenko.
"Cùng với Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Scott Bessant, chúng tôi đã ký một thỏa thuận thành lập Quỹ đầu tư phục hồi Ukraina", - Phó Thủ tướng viết.
Bà Svyrydenko cũng giải thích thỏa thuận này có những nội dung gì:
"Cùng với Hoa Kỳ, chúng tôi sẽ thành lập Quỹ đầu tư phục hồi Ukraina, quỹ này sẽ thu hút đầu tư toàn cầu vào đất nước chúng ta", vị quan chức này cho biết trong thông báo của mình.
Ngoài ra, bà còn nêu rõ những điều khoản chính của thỏa thuận:
1) Quyền sở hữu và kiểm soát hoàn toàn vẫn thuộc về Ukraina:
Mọi tài nguyên trên lãnh thổ và vùng biển lãnh thổ của chúng ta đều thuộc về Ukraina. Chính quyền Ukraina là bên quyết định khai thác ở đâu và loại khoáng sản nào. Phần đất bên dưới vẫn thuộc quyền sở hữu của Ukraina – điều này được quy định trong thỏa thuận.
2) Quan hệ đối tác bình đẳng:
Quỹ được thành lập theo tỷ lệ 50/50. Chúng tôi sẽ quản lý Quỹ này cùng với Hoa Kỳ. Không bên nào chiếm ưu thế và điều này sẽ phản ánh mối quan hệ đối tác bình đẳng giữa Ukraina và Hoa Kỳ.
3) Tài sản quốc gia được bảo vệ:
Thỏa thuận không quy định về những thay đổi trong quá trình tư nhân hóa hoặc quản lý các công ty nhà nước - chúng sẽ tiếp tục thuộc về Ukraina. Các công ty như "Ukrnafta" và "Energoatom" vẫn thuộc sở hữu nhà nước.
4) Không có bất kỳ khoản nợ nào:
Thỏa thuận không đề cập đến bất kỳ nghĩa vụ nợ nào của Ukraina đối với Hoa Kỳ. Việc thực hiện thỏa thuận sẽ cho phép cả hai nước tăng tiềm năng kinh tế thông qua hợp tác và đầu tư bình đẳng.
5) Thỏa thuận này tuân thủ Hiến pháp và không thay đổi tiến trình hội nhập châu Âu:
Tài liệu này phù hợp với luật pháp quốc gia và không mâu thuẫn với các nghĩa vụ quốc tế của Ukraina. Điều quan trọng là thỏa thuận này sẽ là tín hiệu gửi tới các bên liên quan khác trên thế giới rằng, việc hợp tác với Ukraina trong dài hạn - trong nhiều thập kỷ - là điều đáng tin cậy.
6) Quỹ này sẽ được dung nạp bằng nguồn thu nhập độc quyền từ các giấy phép mới:
Chúng ta đang nói đến 50% giấy phép mới cho các dự án trong lĩnh vực vật liệu quan trọng và dầu khí, sẽ được đưa vào ngân sách sau khi Quỹ được thành lập. Doanh thu từ các dự án đã khởi công hoặc doanh thu theo ngân sách không được đưa vào Quỹ. Thỏa thuận này liên quan đến sự hợp tác chiến lược sâu rộng hơn.
7) Những thay đổi về mặt lập pháp chỉ là là những điểm nhỏ:
Để Quỹ hoạt động chỉ cần sửa đổi luật ngân sách. Bản thân Hiệp định phải được Verkhovna Rada phê chuẩn.
Hoa Kỳ sẽ giúp thu hút thêm đầu tư và công nghệ:
Quỹ này được chính phủ Hoa Kỳ hỗ trợ thông qua cơ quan DFC, giúp chúng ta thu hút đầu tư và công nghệ từ các quỹ và công ty ở Hoa Kỳ, EU và các quốc gia khác ủng hộ cuộc chiến chống lại kẻ thù Nga của chúng ta. Chuyển giao và phát triển công nghệ là một thành phần quan trọng của Thỏa thuận, vì chúng ta không chỉ cần đầu tư, mà còn cần đổi mới.
9) Thỏa thuận cung cấp những bảo đảm về thuế:
Thu nhập và đóng góp của Quỹ không phải chịu thuế tại Hoa Kỳ hoặc Ukraina, để đảm bảo việc đầu tư mang lại kết quả tốt nhất có thể.
Phó Thủ tướng Svyrydenko cũng chia sẻ về cách thức hoạt động của Quỹ. Theo bà, Hoa Kỳ sẽ đóng góp cho Quỹ và ngoài số tiền trực tiếp, họ “cũng có thể làm điều đó bằng sự hỗ trợ MỚI – ví dụ như hệ thống phòng không cho Ukraina”.
"Ukraina đóng góp 50% doanh thu ngân sách nhà nước từ tiền thuê MỚI cho các giấy phép MỚI tại các địa điểm mới. Ukraina cũng có thể đóng góp thêm ngoài khoản đóng góp cơ bản này, nếu thấy cần thiết. Chúng ta đang nói về sự hợp tác trong nhiều thập kỷ tới", - bà cho biết.
Quỹ này đầu tư vào các dự án khai thác mỏ và dầu khí, cũng như cơ sở hạ tầng hoặc chế biến liên quan. Ukraina và Hoa Kỳ sẽ cùng nhau xác định các dự án đầu tư cụ thể mà số tiền này sẽ được hướng tới.
Điều quan trọng là Quỹ chỉ có thể đầu tư độc quyền vào Ukraina.
"Chúng tôi hy vọng rằng, 10 năm đầu tiên lợi nhuận và những đóng góp của Quỹ sẽ không được phân phối, mà chỉ có thể được đầu tư vào Ukraina - vào các dự án mới hoặc phục hồi. Những điều kiện này sẽ được thảo luận thêm", - bà Svyrydenko cho biết.
* Như vậy, phía Ukraina đã hình thành một phiên bản thỏa thuận “mang lại các điều kiện có lợi cho cả hai quốc gia”.
"Đây là một thỏa thuận trong đó Hoa Kỳ ghi nhận mong muốn thúc đẩy hòa bình lâu dài tại Ukraina và công nhận những đóng góp mà Ukraina đã thực hiện cho an ninh toàn cầu bằng cách từ bỏ kho vũ khí hạt nhân của mình. Một thỏa thuận trong đó Hoa Kỳ ghi nhận cam kết của mình đối với an ninh, phục hồi và tái thiết Ukraina", - Phó Thủ tướng Svyrydenko nhấn mạnh.
BTV NGƯỜI VIỆT KIEV biên dịch
|