Article by Nicolas Butylin
Washington, D.C. – Chính sách đối với Ukraine của Tổng thống Mỹ Donald Trump thời gian gần đây chẳng khác nào một con lắc đong đưa. Vừa tuần trước, Lầu Năm Góc tuyên bố tạm dừng cung cấp vũ khí cho Kyiv, thì đầu tuần này (1/7), ông Trump bất ngờ xoay chiều, tuyên bố sẽ viện trợ quân sự mới – đồng thời lên tiếng chỉ trích Tổng thống Nga Vladimir Putin bằng những lời lẽ gay gắt hiếm thấy.
Điều này đặt ra câu hỏi: Liệu đây là một bước ngoặt thực sự trong chính sách đối ngoại của Washington, hay chỉ là một đòn chiến thuật tạm thời của vị Tổng thống Cộng hòa?

Từ "quá nhiều vũ khí" đến "phải bảo vệ họ" – Trump thay đổi chóng mặt
Chỉ vài ngày trước, ông Trump còn phát biểu rằng Mỹ đã cung cấp cho Kyiv “quá nhiều vũ khí”, hoàn toàn đúng với tinh thần “Nước Mỹ trên hết” mà ông theo đuổi. Lầu Năm Góc khi đó cũng giải thích việc tạm dừng là nhằm kiểm tra lại kho dự trữ, đặc biệt là tên lửa Patriot và pháo chính xác cao.
Thế nhưng chỉ vài ngày sau, Tổng thống Trump đảo chiều hoàn toàn: “Chúng tôi sẽ gửi thêm vũ khí. Chúng tôi buộc phải làm vậy, họ (Ukraine) cần có khả năng tự vệ. Họ sẽ bị tấn công rất dữ dội,” ông nói. Ông cũng nhấn mạnh đây sẽ là các loại vũ khí có tính chất phòng thủ.
Phản ứng của Trump được cho là xuất phát từ các đợt tấn công khốc liệt của Nga gần đây. Theo nguồn tin Ukraine, chỉ trong tuần qua, quân đội Nga đã phóng hơn 1.270 máy bay không người lái cùng hàng chục tên lửa vào các thành phố Ukraine – đặc biệt là thủ đô Kyiv, nơi vừa hứng chịu đợt không kích dữ dội nhất kể từ khi chiến tranh nổ ra năm 2022.
Trump chỉ trích Putin thẳng thừng: "Chỉ giết người, không thể chấp nhận"
Trên chuyên cơ Air Force One tuần trước, ông Trump phát biểu với báo chí Mỹ: “Tôi rất thất vọng vì ông ấy (Putin) không dừng lại. Tôi không hề hài lòng chút nào. Ông ta cứ thế tiếp tục giết người – điều đó không thể chấp nhận được.”
Đây được xem là lời chỉ trích mạnh nhất của Trump từ trước tới nay nhắm vào nhà lãnh đạo Nga. Trước đó, trong suốt nhiệm kỳ đầu, ông thường tránh lên án Putin, thậm chí còn thể hiện thiện cảm nhất định. Giờ đây, giọng điệu ấy đã đổi khác.
Lúng túng giữa hai cực: Chấm dứt chiến tranh hay duy trì hình ảnh cứng rắn?
Các tuyên bố trái ngược từ ông Trump trong những tháng đầu nhiệm kỳ thứ hai phản ánh một thế tiến thoái lưỡng nan. Một mặt, ông liên tục chỉ trích người tiền nhiệm Joe Biden là nguyên nhân khiến chiến tranh bùng nổ và hứa sẽ nhanh chóng chấm dứt xung đột. Mặt khác, thực tế quân sự tại miền đông Ukraine cho thấy Nga không hề có dấu hiệu muốn đàm phán.
Bản thân Trump cũng thừa nhận rằng cuộc điện đàm gần đây nhất với Putin “không mang lại tiến triển nào”. Thậm chí, cuộc không kích ồ ạt của Nga vào Kyiv chỉ vài ngày sau đó bị ông xem là hành động "thách thức cá nhân" đối với mình.
Zelensky tìm cách làm hài lòng Trump: Thay đại sứ, mở lối mới
Phía Ukraine cũng đang chủ động “làm đẹp lòng” Washington. Tổng thống Volodymyr Zelensky mô tả cuộc điện đàm với Trump là “cuộc trao đổi tốt nhất từ trước đến nay”. Ngoài ra, ông được cho là đã đồng ý thay thế nữ Đại sứ Oksana Markarova – người bị nhiều nghị sĩ Cộng hòa xem là “quá gần gũi với đảng Dân chủ”. Đây được xem là động thái thiện chí, nhằm “mở đường” để Trump thuận lợi hơn trong các quyết định liên quan tới viện trợ quân sự.

Chiến lược dài hạn hay chiêu tung hỏa mù?
Bất chấp những tuyên bố gần đây, giới quan sát cho rằng bước đi của ông Trump chưa đủ để coi là sự thay đổi chiến lược thực sự. Trên thực tế, các yếu tố như áp lực trong nước, lo ngại về ảnh hưởng kinh tế nếu Nga kiểm soát thêm các mỏ lithium tại Donbass, và sức ép từ phe Cộng hòa trong Quốc hội… đang buộc ông phải hành động.
Những tuyên bố cứng rắn với Putin có thể chỉ nhằm mục đích tạo thế mặc cả mới. Không chỉ Ukraine, mà cả các nghị sĩ Cộng hòa cũng đang gây sức ép lên ông Trump, yêu cầu ông duy trì viện trợ như lời Hạ nghị sĩ Brian Fitzpatrick khẳng định: “Ukraine không chỉ bảo vệ quê hương, mà còn là tuyến đầu của tự do.”
Tuy nhiên, câu hỏi then chốt vẫn là: Liệu các gói viện trợ được hứa hẹn có thực sự đến được Ukraine? Hay tất cả chỉ là một bước đi tạm thời trong ván bài chính trị đầy biến động của ông Trump?
Trumps Ukraine-Politik: Entschlossene Kehrtwende oder taktisches Geplänkel?
|