Trang chủ Liên hệ       Thứ tư, Ngày 01/05/2024
 
 
THÔNG TIN
Giới Thiệu Hội
Trang Thể Thao
Sức khỏe & Đời sống
Ẩm thực Nghệ Tĩnh
Việt Nam Đất Nước Con Người
Khoa học & Môi Trường
Chuyện lạ đó đây
Nhịp cầu Nhân ái
DANH SÁCH TẤM LÒNG VÀNG
Tin tức Nghệ Tĩnh
Truyền thống Nghệ Tĩnh
Tâm sự cuộc sống
Văn hóa - Xã hội
Văn Nghệ
  -  Văn Thơ Sưu Tầm
  -  Sáng Tác Cộng Đồng
  -  Văn thơ của bạn
Thư Viện
Góc Cười
Tin Trong nước -Tin Quốc Tế -Tin Ucraina
Tin Cộng Đồng
Người Việt Trên Thế Giới
BÀI DỰ THI VỀ XỨ NGHỆ
QUẢNG CÁO

 
Trang chủ > Văn Nghệ > Văn Thơ Sưu Tầm >
  Cha làm thơ tình, con phổ nhạc - Nguyễn Hiệp Cha làm thơ tình, con phổ nhạc - Nguyễn Hiệp , Người xứ Nghệ Kiev
 

 


VanVN.Net - Đà Lạt. Mưa. Mưa dầm nhũn lạnh đất trời, chỉ rừng thông cạnh nhà sáng tác vẫn còn dáng vẻ cứng cáp, kiêu hãnh. Tôi khoác thêm áo rồi sang phòng nhạc sĩ Bùi Quang Vĩnh, con trai nhà thơ Quang Dũng. Anh đang ôm đàn say sưa, ca sĩ là một phát thanh viên của Đài Truyền hình Lâm Đồng. Tôi có chút thắc mắc tên họ Trần Quang Dũng lúc nhỏ của anh...

Nhà thơ Quang Dũng khi viết Tây Tiến đã lấy tên con trai mình làm bút danh. Trong Kỷ yếu Nhà Văn Việt Nam Hiện Đại in lần thứ IV- 2010 ghi: Nhà thơ Quang Dũng tên thật là Bùi Đình Dậu (tức Diệm). Vậy sao con trai lại họ Trần? Có điều gì nhầm lẫn chăng? Nhạc sĩ Bùi Quang Vĩnh đặt đàn xuống, rót mời tôi ly trà, anh thủng thẳng, từ tốn: “Lúc nhỏ, bố mình đi trong đoàn quân Tây Tiến ấy, mình ở với bà nội (bà nội gốc Hải Phòng, họ Trần, Trần Thị Hợi mất tại Sài Gòn, 1961. Ông nội là Bùi Đình Khuê, mất 1942 tại quê nhà Đan Phượng, Hà Nội). Khi bà nội làm giấy khai sinh cho mình thì lấy luôn họ của bà. Bố đổi cho tên Bùi Quang Vĩnh, tôi phải lấy lại chứng nhận khai sinh đổi tên để đi học. Cám ơn anh, vậy là đã rõ. Nhạc sĩ Bùi Quang Vĩnh (tức Trần Quang Dũng), sinh 11/12/1947, nguyên là giảng viên trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên. Anh ở đoàn văn nghệ sĩ Thái Nguyên. Câu chuyện của chúng tôi thường kéo dài khi chạm đến đề tài người bố của anh, nhà thơ Quang Dũng.

 

I. Cha làm thơ tình, con phổ nhạc:

Nhạc sĩ Bùi Quang Vĩnh kể: Có kỷ niệm đặc biệt, như nhà thơ Trần Lê Văn từng nói: “Bố làm thơ tình, con lại phổ nhạc là chuyện hiếm thấy.” Trường hợp bài thơ “Không đề”. Bài này đã nhiều người phổ nhạc, nhan đề khác nhau. Nhạc sĩ Phạm Trọng Cầu lấy tên bài hát: “Em mãi là hai mươi tuổi”, còn tôi đặt tên “Ta mãi là mùa xanh xưa”, tôi chọn câu thứ hai của bài:

“Em mãi là hai mươi tuổi

Ta mãi là mùa xanh xưa

Những cây ổi thơm ngày ấy

Và vầng hoa ngâu mưa thu…”

Vào năm 1988, tôi về thăm bố đã nằm liệt bốn năm. Lúc đó Doãn, em trai thứ hai của tôi nói rằng: Anh biết nhạc sao không phổ thơ của bố?! Tôi bảo các bài thơ phổ được thì các bác nhạc sĩ bạn bố đã làm cả rồi, riêng bài thơ Tây Tiến anh đã thử nhưng khó tìm nét nhạc tương xứng, nên để nguyên là thơ thì hơn. Doãn nói bác Trần Lê Văn mới đưa quyển thơ có in bài “Không đề” hay lắm, anh xem thế nào. Tôi đọc, nội dung rất xúc động, nhìn người bố nằm im lặng trên giường, từng có nhiều ước vọng, có mối tình thời trai trẻ rất tình người, lại ưa hoạt động nhiều lĩnh vực như thế này sắp phải ra đi, không thể có cách gì níu kéo được, mà tôi cũng chưa đền đáp được gì cho bố… Cảm nghĩ của tôi thế nào lúc đó, thực sự không thể nói ra được. Phải một năm sau tôi mới hoàn thành tác phẩm “Ta mãi là mùa xanh xưa”...

 

II. Cha và con trai:

Chuyện trò với anh Vĩnh, tôi thường thích nghe anh kể lại những kỷ niệm của cha và con trai, bởi tôi cũng có ba đứa con trai mà. Con trai gắn bó với cha đặc biệt nhưng không ai biết mình để tâm tới cha lúc nào, chỉ biết khi cha nằm xuống thì ơn nghĩa càng trĩu nặng trong lòng, chữ hiếu chợt như nỗi niềm day dứt khôn nguôi.

“Bố tôi là người đa đoan, người của mọi người và người của những hoài niệm”, nhạc sĩ Vĩnh nói như vậy, rồi anh kể: Thái Nguyên, nơi tôi đang ở, chỉ là nơi được phân công công tác khi tôi ra trường (tôi học ĐH Lâm nghiệp) vào cuối năm 1973. Thực ra trong quá trình hoạt động, bố tôi cũng đã từng nhiều lần qua Thái Nguyên và quen biết nhiều bạn bè trên tuyến này. Còn Tây Tiến đi theo hướng Hoà Bình, Mộc Châu, Sơn La. Năm 1978, ông đã đi bộ mất ba ngày từ Hà nội (gần 100 km) lên trường ĐHNN 3 Bắc Thái để thăm tôi. Tôi hỏi: “Sao bố không đi ô tô hay tàu hoả cho nhanh và đỡ mệt?”, ông nói: “Bố muốn đi bộ để nhìn lại những nơi trước kia đã đi qua, nhân tiện thăm mấy người bạn hồi kháng chiến nữa.”  Trong trái tim ông, những kỉ niệm về một thời Tây Tiến vẫn còn sống mãi. Bố tôi là thế!

Khi tôi hỏi anh: Sao cha là một nhà thơ lớn mà con lại không làm thơ, có lời nguyền gì chăng? Nhạc sĩ Vĩnh cười tươi: “Nhiều người hỏi câu này, chẳng có gì đâu, chỉ là mỗi người một tạng, một cơ duyên thôi”, nhưng khi anh kể chuyện thì tôi hiểu anh đã nghe theo lời dặn của cha mình.

… Anh, em tôi mỗi người đều được thừa hưởng gien của bố. Nhà tôi có nhiều loại sách, tôi mê đọc tiểu thuyết, truyện ngắn, cả thơ nữa, có lần bố tôi ướm thử tôi hướng về cái gì. Xem ra tôi đều có thể làm được nhưng chưa rõ. Một tối, hai bố con dạo phố Bà Triệu, thấy một thanh niên đạp xe, vai vác cây đàn ghitar, tôi hỏi đó là đàn gì, ông bảo đó là đàn ghitar xuất xứ từ Tây Ban Nha, chắc cậu ta đến nhà chú Tạ Tấn (Tạ Tấn là người chơi đàn ghitar nổi tiếng lúc bấy giờ) để học. Khi rẽ vào phố Tô Hiến Thành, đúng lúc nghe một câu nhạc hiệu của buổi phát thanh Câu chuyện Quốc tế (8 giờ tối) vang lên sao hay thế. Tôi thắc mắc hỏi bố đủ điều… Thấy bố tôi im lặng, tôi không hỏi nữa. Bỗng ông bảo: “Thanh niên bây giờ phải biết chơi đàn ghitar, âm nhạc làm cho con người thanh thản, không như văn, thơ con ạ”. Tôi ghi nhớ mãi, rồi say mê đến bây giờ. Tôi thừa hưởng máu thi ca của cha nên khi sáng tác nhạc thì việc viết lời rất thuận lợi.

Tôi nói, nghe bảo là cha con anh còn có kỷ niệm về chuyện sửa bài thơ Tây Tiến, chuyện như thế nào? à, đó cũng là chuyện vui. Ban đầu, bài thơ được bố tôi lấy nhan đề là “Nhớ Tây tiến”. Nhưng nhiều lần tôi thấy bố ngồi rất lâu trước cuốn sổ tay ấy băn khoăn về cái tít bài thơ. Rồi một ngày bố tôi quyết định gạch đi chữ “Nhớ”. Sao vậy bố? Bố cười: “Tây Tiến, nhắc đến là đã thấy nỗi nhớ rồi. Thừa”. Cần đến một người tri kỷ, bố hỏi tôi: “Con đọc cho bố nghe cả bài thơ rồi cho nhận xét xem nó thế nào”. Con thấy câu “Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người” nghe nó cứ chối thế nào. Thay địa danh khác đi bố!” Tôi thật liều, lúc ấy mới học lớp 5, lớp 6 gì đó. Trưởng thành rồi, nghe chuyện của bố tôi mới giật mình. Đó là trong lần hành quân, đoàn quân Tây Tiến dừng chân ở Mường Hịch gần sông Mã. ở đây có con cọp chuyên bắt người ăn thịt.

Thấy bộ đội có súng dân làng nhờ giúp. Vốn gan dạ, khỏe mạnh, mới nghe thế máu mã thượng trong người nhà thơ đã bốc lên. Trói con lợn vào gốc cây làm mồi bẫy, ông cùng đồng đội nấp vào nơi an toàn đợi cọp. Bị phục trúng đạn con cọp thành tinh ấy đã điên cuồng chống trả, nhà thơ phải nổ mấy phát súng liền, vừa bắn vừa nhanh nhẹn chuyển dịch vị trí mới kết liễu được nó mà không bị nó vồ. Sau trận giết cọp dữ ấy, đồng đội nể phục bố tôi lắm.

Tôi góp chuyện bằng cách nhắc lại một đoạn trong Nhà văn nói về tác phẩm, (Nxb Văn Học), nhà thơ Quang Dũng có viết: “Những cái dốc thăm thẳm “heo hút cồn mây súng ngửi trời”, những chiều “oai linh thác gầm thét”, những đêm “Mường Hịch cọp trêu người”… mô tả trong thơ là rất thực…” Nhạc sĩ Quang Vĩnh gật gù: “ừ, càng lớn tuổi càng kính nể bố!”

Tôi nói: Quang Dũng là nhà thơ bộ đội miền Bắc duy nhất có sách in ở miền Nam trong thời đất nước chưa thống nhất được rất nhiều người miền Nam yêu thích. Nhạc sĩ Bùi Quang Vĩnh trầm tư một chút rồi tâm sự: “Tôi may mắn được xem hai tập sách ấy đúng một lần, do người bạn của bố vào Nam chơi ngay sau ngày thống nhất đất nước và thấy bán ở hiệu sách liền mua về đem đến tặng. Cả nhà đọc trước vì ông bận việc. Rất tiếc là đến khi bố tôi xem xong thì ông đem đốt ngay, chắc là vì sợ nhiều thứ, lúc đó chúng tôi không hiểu. Sự việc này làm cho gia đình và bạn bè, người thân thấy rất vui, vui vì những đứa con tinh thần của cha tôi đã được độc giả đón nhận”.

 

III. Xứ Đoài và những câu chuyện cũ:

Nghe kể  năm 1960 có đoàn khách Tây sang Việt Nam cứ nhất định đòi đến thăm nhà anh. Căn nhà sập sệ quá nên tổ chức “tạm” dời nhà của tác giả Tây Tiến tới trụ sở Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam. Thực hư câu chuyện ấy như thế nào? Điều ấy có lưu gì trong kí ức anh không? Chuyện này thì có thực, nhưng tôi chỉ nhớ về hiện tượng thôi vì lúc ấy tôi mới 12 – 13 tuổi. Được biết, thời gian ấy có đoàn nhà văn nước bạn sang làm việc với cơ quan Nhà xuất bản Văn học. Trong buổi làm việc họ rất thích nhà thơ Quang Dũng, ông trưởng đoàn ngỏ ý muốn đến thăm nhà riêng Quang Dũng, nhà thơ lịch sự từ chối nhưng khách không hài lòng (vì có nhà riêng đâu, chỉ là một căn buồng chật chội trên gác ba phố Bà Triệu), mọi người nhìn nhau, nhanh chóng hội ý và ra hiệu cho ông cứ nhận lời, hẹn hôm khác rồi xử lý sau. Mọi người còn nhớ hồi đó cán bộ công chức Nhà nước miền Bắc đều ở nhà phân phối (thực ra là các căn buồng đủ các hình thái) theo kiểu tập thể và được sở hữu suốt đời. Có lẽ chẳng ai trong cơ quan có nhà riêng, nên để giữ  thể diện chung cho các văn nghệ sĩ và Nhà nước, lãnh đạo cơ quan đã bố trí tại số nhà 51-53 phố Trần Hưng Đạo - Hà Nội, nay là trụ sở Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam. Đây là một dạng biệt thự hoặc trụ sở gì đó của người Pháp, tôi cũng không rõ lai lịch. Tôi nhớ vào một sáng chủ nhật, cơ quan được nghỉ hết, bố tôi nói rằng hôm nay đưa cả nhà lên cơ quan chơi để ông tiếp khách nước ngoài. Ông dặn dò mấy câu ngắn gọn là động tác sinh hoạt phải hết sức tự nhiên coi như tất cả nhà cửa và đồ dùng là của mình, nhưng cũng lại nhớ không được động vào bất cứ thứ gì trong phòng. Ngoài cổng nhìn vào, là  khoảng sân trống sâu 15 – 20 mét, có một cầu thang bên phải dẫn lên chỗ tiếp khách là buồng làm việc ngay tầng hai, chúng tôi ở đó. Mẹ tôi đem theo cuộn len ngồi đan và trông em gái tôi (mẹ tôi làm kiểm định kỹ thuật cơ sở đan len thủ công xuất khẩu của vợ ca sĩ Ngọc Bảo), còn chúng tôi có bốn anh em rất hiếu động, vì không được động chạm thứ gì nên chơi đùa ngoài sân. Mọi vật trong phòng được kê, dọn sơ bộ một chút cho ra vẻ, việc này do chú Thuý Toàn (người chuyên dịch sách văn học nước ngoài của Việt Nam) chỉ đạo. Khoảng 9 giờ, có tiếng ôtô đỗ ngoài sân, thấy 3 – 4 người to cao cùng mấy người mình (tôi nhớ có chú Thuý Toàn) lên “nhà tôi”, ôm hôn bố tôi rồi cùng chuyện trò vui vẻ. Mấy ông khách hỏi thăm mẹ tôi, xoa đầu chúng tôi. Chúng tôi cũng tò mò đứng cạnh mẹ để xem, rồi chỉ trỏ, cũng hơi mất trật tự chút xíu. Một lúc sau chú Thuý Toàn đến nói nhỏ bảo tôi đưa các em ra sân chơi. Thế là tôi chẳng biết gì nữa. Mãi đến chiều chúng tôi mới trở về “nhà” của mình.

*

Sông Đáy chậm nguồn qua Phủ Quốc/ Sáo diều khuya khoắt thổi đêm trăng… Xứ Đoài trong lòng nhạc sĩ  Quang Vĩnh bây giờ có gì khác với xứ Đoài trong những dòng thơ ấy? Bây giờ xứ Đoài đã có nhiều thay đổi, tuy nhiên những giá trị văn hóa dân tộc đang được bảo tồn và lưu giữ. Quê hương của cha tôi có nhiều cảnh đẹp nổi tiếng, núi Ba Vì, suối Hai, làng cổ Đường Lâm… Cuộc sống hiện đại cũng làm cho bộ mặt quê hương khác xưa nhưng tôi chắc một điều: âm thanh tiếng sáo diều thổi đêm trăng trong câu thơ của cha tôi còn mãi trong mỗi người con xứ Đoài. Mấy anh em tôi vẫn luôn mong ước có được một phòng lưu niệm Quang Dũng đặt ở làng Đan Phượng, quê hương ông (hiện đã có một tượng bán thân của nhà thơ đặt ở trường Tiểu học thị trấn Phùng), em gái tôi cũng có một ấp ủ sẽ mở một lớp hướng dẫn tập viết văn, làm thơ cho chính những học sinh có năng khiếu ở ngôi trường trước đây nhà thơ Quang Dũng từng học. Một niềm tự hào của gia đình, của quê hương, tại sao lại không mong ước?

                  Theo hội nhà văn VN


  Các Tin khác
  + VẰNG VẶC CHỮ TÂM (Thơ BÙI NGỌC BÍCH) (19/02/2024)
  + ĐẾN VỚI BÀI THƠ HAY Thơ Trần Huy Liệu Lời bình Bùi Ngọc Bích (19/02/2024)
  + GIÓ MÙA (02/11/2023)
  + TẢN MẠN CUỐI THU (02/11/2023)
  + Truyện ngắn. MỘT KIẾP NGƯỜI. (02/11/2023)
  + DỊU DÀNG MÙA THU (04/09/2023)
  + Thơ Nguyễn Hữu Quý - ĐÃ TỚI MÙA ĐÔNG (11/11/2022)
  + Thơ Nguyễn Thánh Ngã - VỀ MIỀN NAM (*) (10/11/2022)
  + Thơ Thái Thăng Long - MÙA HEO MAY! (04/11/2022)
  + Thơ Nguyễn Hữu Quý - RÉT ĐẦU ĐÔNG (03/11/2022)
  + Điều ước ở ngã ba Cây cốc (23/10/2022)
  + Thơ Thái Thăng Long - TƯƠNG LAI VÀ HOA...! (22/10/2022)
  + THƯƠNG MÙI KHÓI BẾP CHIỀU MƯA (21/10/2022)
  + Thơ Nguyễn Hữu Quý - MỀM MẠI, ẤM NỒNG (20/10/2022)
  + GIÓ LẠNH ĐẦU MÙA (18/10/2022)
  + Thơ Thái Thăng Long - DÒNG SÔNG THÁNG MƯỜI (17/10/2022)
  + Cô con dâu hiếu thảo (14/10/2022)
  + Vụ án bữa cơm cuối cùng (14/10/2022)
  + Tiếng hú dưới vực sâu (09/10/2022)
  + Mùa hoa pa bát (09/10/2022)
Playlist

GIỚI THIỆU
 

Kính thưa quý độc giả 

Website nguoixunghekiev.vn

hoạt động chính thức từ tháng

10/2012. và  phi lợi nhuận.

Trang tin đăng tải tin tức 

của cộng đồng người Việt tại Kiev

và toàn Ucraina, đồng thời lấy tin 

từ các trang báo mạng khác trên

nguyên tắc trích dẫn nguyên bản 

đường nguồn chính. Là những

người làm báo không chuyên nên

chắc chắn sẽ gặp sai sót không

mong muốn, chúng tôi sẽ tiếp thu 

chân thành những góp ý xây dựng 

của quý độc giả để cho trang tin 

ngày càng hoàn thiện hơn, xin gửi

về mục liên hệ trên mặt báo hoặc

Email: hosytruc@gmail.com

ĐT: 093-712-24-57

093-973-97-39

Xin trân trọng cảm ơn.

Biên tập: Hồ Sỹ Trúc

 

 

 
 
 

 

 


QUẢNG CÁO
Thống kê
Guests online: 3
Total: 60527913

 
 
 
Người xứ nghệ Kiev
Designed by July