Trang chủ Liên hệ       Thứ sáu, Ngày 29/03/2024
 
 
THÔNG TIN
Giới Thiệu Hội
Trang Thể Thao
Sức khỏe & Đời sống
Ẩm thực Nghệ Tĩnh
Việt Nam Đất Nước Con Người
Khoa học & Môi Trường
Chuyện lạ đó đây
Nhịp cầu Nhân ái
DANH SÁCH TẤM LÒNG VÀNG
Tin tức Nghệ Tĩnh
Truyền thống Nghệ Tĩnh
Tâm sự cuộc sống
Văn hóa - Xã hội
Văn Nghệ
  -  Văn Thơ Sưu Tầm
  -  Sáng Tác Cộng Đồng
  -  Văn thơ của bạn
Thư Viện
Góc Cười
Tin Trong nước -Tin Quốc Tế -Tin Ucraina
Tin Cộng Đồng
Người Việt Trên Thế Giới
BÀI DỰ THI VỀ XỨ NGHỆ
QUẢNG CÁO

 
Trang chủ > Văn Nghệ > Văn Thơ Sưu Tầm >
  Mây trắng miền quê Mây trắng miền quê , Người xứ Nghệ Kiev
 
Ngày đó, Tri hỏi tôi: “Thành phố có gì vui?“. Tôi nói: “Nhiều cái vui lắm. Nhưng ở hoài… sẽ thấy lạc lõng“. Tri ngớ người: “Tại sao?“. Tôi cười: “Bao giờ lên thành phố, sống lâu ở đó, Tri sẽ hiểu“. Tri nhíu mày, vẻ đăm chiêu. Tận sâu bên trong, Tri vẫn luôn mơ về thành phố.
Mây trắng miền quê
 Ảnh minh họa

Tri thi trượt vào ngành đại học mong muốn, nên lên thành phố chậm một năm so với kế hoạch của Tri. Còn tôi, vừa học xong cấp hai, ba mẹ đã gửi tôi ở nhà dì trên thành phố, lo giấy tờ để tôi học cấp ba. Mẹ nói ở trên đó điều kiện học tập tốt hơn ở dưới quê. Tương lai của tôi cũng rộng mở hơn.

Tôi háo hức. Nỗi buồn lúc ấy - nếu có - có lẽ là tôi xa ba mẹ, ông bà, xa những chiều rong ruổi cùng Tri trên bờ đê đầy hoa cỏ. Trước khi tôi đi, ba dẫn tôi ra bờ sông trước nhà, bờ tre đằng sau, con kênh bên hè lục bình trổ bông tím ngát. Ba nói: "Quê mình đó con! Đi xa thì nhớ". Tôi gật gật đầu. Mà lòng cứ nghĩ về thành phố.

Ngày tôi đi, Tri ghé ngang qua, đưa tôi lá thư có viết mấy câu nói rằng Tri buồn khi tôi không còn ở xóm, không còn đi học cùng Tri trên chiếc xe đạp nhỏ mỗi sớm mai thức giấc. Mắt tôi rưng rưng khi đọc thư Tri viết. Rồi Tri đạp xe đến trường. Bóng Tri khuất sau bụi tre tầm vông xanh xanh trong sương sớm.

Những năm tháng ở với dì để đi học trên thành phố, hễ có thời gian nghỉ, hay ngày Tết, ngày hè, là tôi về quê thăm ba mẹ, ông bà và Tri. Mỗi lần gặp thì Tri đều kêu tôi kể chuyện thành phố. Tôi lúc ấy say sưa kể và lần nào Tri cũng nói: "Vài năm nữa Tri cũng sẽ lên thành phố, cùng Thu".

***

Rồi Tri cũng lên thành phố học đại học ở ngôi trường như mong ước, dù muộn hơn một năm. Trong những năm tháng đại học của chúng tôi, quê nhà cũng đã khác. Mỗi lần tôi về hoặc mỗi lần mẹ gọi lên thành phố cho tôi, thì có thêm một câu chuyện mới. Con đường này mới được làm. Cây cầu kia vừa được đúc. Xã mới có thêm cái hợp tác xã trồng rau sạch. Nhà bác Ba, cô Bảy... hôm nay tân gia.

Trong những câu chuyện của mẹ, không có câu nào là mẹ kêu tôi về. Mẹ luôn tôn trọng quyết định của tôi. Sống ở đâu cũng được, miễn tôi sống tốt, làm việc tôi yêu thích là ba mẹ, ông bà vui. Nhưng càng gần đến ngày tôi tốt nghiệp đại học, tôi càng cảm nhận được mong muốn của ba mẹ và ông bà rằng tôi về quê làm việc ở gần nhà, gần gia đình cho đến khi lấy chồng. Sau khi ba tôi may mắn hồi phục trong lần tai biến, ba mẹ và bản thân tôi mới nhận ra tôi đã sống xa ba mẹ quá lâu.

Ngày tôi nói với Tri quyết định về quê tìm việc sau khi nhận bằng tốt nghiệp đại học của mình.

Tri sốc.

- Thu đã suy nghĩ kỹ chưa? Chỗ Thu thực tập đã mở lời cho Thu ở lại làm việc rồi. Thu sẽ có việc làm ổn định ở thành phố. Đó không phải là điều Thu và gia đình mong muốn từ khi đưa Thu lên thành phố học nhiều năm trước sao?

Tôi đã dùng một buổi cà phê với Tri để nói về nỗi nhớ nhà, nhớ ba mẹ, nhớ Tri mà tôi cố vượt qua trong những năm mới lên thành phố. Và biến cố sức khỏe của ba gần đây khiến tôi và cả ba mẹ

Thay đổi.

Ly cà phê đá phía Tri đang dần tan, phía trên đã loãng dần. Tri vừa nghe tôi nói vừa đăm chiêu suy nghĩ. Tôi bất giác hỏi Tri:

- Tri có định về quê sau khi tốt nghiệp không?

Tri lắc đầu, thật nhanh, dứt khoát.

- Tri đang nỗ lực hết sức để được trụ lại thành phố, có sự nghiệp đúng ngành học mà Tri thích, có cửa nhà. Khi đó Tri sẽ lo cho cuộc sống ba mẹ mình được tốt hơn. Tri chưa muốn về quê khi mọi dự định ở đây vẫn còn đang dang dở.

Tôi tôn trọng quyết định của Tri, bởi mỗi người có riêng cho mình một ước mơ, một lựa chọn, một cách nghĩ. Như tôi - sau bao năm xa quê sống ở thành phố, giờ tôi chỉ cần được nghe tiếng nói của ba mỗi sáng, được nhìn thấy mẹ lui cui trong bếp nấu bữa cơm ngon cho gia đình mỗi chiều, nhìn bà tôi ngồi xoa dầu gió cho ông. Còn Tri luôn có những ước mơ và kiên định với ước mơ đó.

Chúng tôi nói lời tạm biệt, khi ngoài phố dòng người đang qua lại, cười nói. Ánh đèn đô thị hắt vào đôi mắt thoảng buồn của Tri.

Khuya ấy, Tri nhắn tin cho tôi. Tôi mở tin nhắn và rồi tim tôi se lại: "Thu có chờ Tri không?". Lần đầu tiên sau bao nhiêu năm, Tri thẳng thắn hỏi tôi điều mà cả hai chúng tôi hiểu nhưng chưa từng cùng nhau thừa nhận. Lần này Tri can đảm quá. Còn tôi vẫn e sợ vì chúng tôi còn trẻ quá và chưa gì thì đã đứa ở quê người ở phố, nên không trả lời Tri.

***

Ngày tôi về quê, Tri qua chở đồ đạc giúp tôi ra bến xe. Chúng tôi không hẹn mà cùng giả bộ tạm quên đi tin nhắn hôm trước của Tri. Tôi hỏi:

- Tri về quê chơi không? Mùa này hoa phượng nở dọc hai bên bờ sông, đẹp lắm!

Tri cười, lắc đầu:

- Tri vừa học vừa đi thực tập túi bụi. Cuối tháng Tri về thăm nhà, thăm Thu.

Tôi gật đầu, chiếc xe chuyển bánh, ngồi trong xe, qua kính chiếu hậu, tôi thấy Tri nhìn theo mình đến khi xe tôi vòng qua khúc quanh, tiến về quê hương của tôi và Tri.

Mùa này phượng nở một trời quê. Hoa phượng đỏ rực bên bờ sông hiền hòa. Con đường nhựa dẫn thẳng vào xóm tôi. Ba mẹ đón tôi trước sân nhà. Bà đứng nhìn tôi dưới giàn mướp trổ bông vàng. Mắt bà đo đỏ.

- Chuyến này con về ở bên ba mẹ, ông bà luôn - Tôi nói.

- Ừ, về ba nuôi - Ba nói chơi, xoa đầu tôi.

Rồi tôi cũng nhanh chóng xin được việc ở hợp tác xã trồng xoài gần nhà. Hằng ngày tôi chạy xe máy đi làm, rồi lại về nhà ăn cơm mẹ nấu. Tôi vẫn thường nghĩ về Tri, không biết giờ này Tri đang làm gì, có nhớ đến tôi như tôi nhớ Tri không?

Chiều hôm đó, tôi nhắn tin cho Tri và nhận được trả lời rất nhanh rằng Tri vừa về quê, hẹn gặp tôi ở chỗ bờ đê năm xưa. Lúc ngồi bên nhau nhìn ngắm những đàn cò bay ngang đồng ruộng, vườn cây quê nhà, Tri khẽ nắm tay tôi, nói: "Tri nghĩ kỹ rồi. Dù cho cuộc sống có thay đổi ra sao, dù lúc tốt nghiệp ra trường làm việc ở đâu, Tri vẫn luôn muốn ở bên Thu. Thu chờ Tri sắp xếp một chút nhé". Tôi nhìn Tri mỉm cười, ngả đầu vào vai Tri. Lòng tôi nhẹ tênh như mây trắng miền quê.

Nguồn Tin:  baocantho
https://www.xaluan.com/modules.php?name=News&file=article&sid=3585331

  Các Tin khác
  + VẰNG VẶC CHỮ TÂM (Thơ BÙI NGỌC BÍCH) (19/02/2024)
  + ĐẾN VỚI BÀI THƠ HAY Thơ Trần Huy Liệu Lời bình Bùi Ngọc Bích (19/02/2024)
  + GIÓ MÙA (02/11/2023)
  + TẢN MẠN CUỐI THU (02/11/2023)
  + Truyện ngắn. MỘT KIẾP NGƯỜI. (02/11/2023)
  + DỊU DÀNG MÙA THU (04/09/2023)
  + Thơ Nguyễn Hữu Quý - ĐÃ TỚI MÙA ĐÔNG (11/11/2022)
  + Thơ Nguyễn Thánh Ngã - VỀ MIỀN NAM (*) (10/11/2022)
  + Thơ Thái Thăng Long - MÙA HEO MAY! (04/11/2022)
  + Thơ Nguyễn Hữu Quý - RÉT ĐẦU ĐÔNG (03/11/2022)
  + Điều ước ở ngã ba Cây cốc (23/10/2022)
  + Thơ Thái Thăng Long - TƯƠNG LAI VÀ HOA...! (22/10/2022)
  + THƯƠNG MÙI KHÓI BẾP CHIỀU MƯA (21/10/2022)
  + Thơ Nguyễn Hữu Quý - MỀM MẠI, ẤM NỒNG (20/10/2022)
  + GIÓ LẠNH ĐẦU MÙA (18/10/2022)
  + Thơ Thái Thăng Long - DÒNG SÔNG THÁNG MƯỜI (17/10/2022)
  + Cô con dâu hiếu thảo (14/10/2022)
  + Vụ án bữa cơm cuối cùng (14/10/2022)
  + Tiếng hú dưới vực sâu (09/10/2022)
  + Mùa hoa pa bát (09/10/2022)
Playlist

GIỚI THIỆU
 

Kính thưa quý độc giả 

Website nguoixunghekiev.vn

hoạt động chính thức từ tháng

10/2012. và  phi lợi nhuận.

Trang tin đăng tải tin tức 

của cộng đồng người Việt tại Kiev

và toàn Ucraina, đồng thời lấy tin 

từ các trang báo mạng khác trên

nguyên tắc trích dẫn nguyên bản 

đường nguồn chính. Là những

người làm báo không chuyên nên

chắc chắn sẽ gặp sai sót không

mong muốn, chúng tôi sẽ tiếp thu 

chân thành những góp ý xây dựng 

của quý độc giả để cho trang tin 

ngày càng hoàn thiện hơn, xin gửi

về mục liên hệ trên mặt báo hoặc

Email: hosytruc@gmail.com

ĐT: 093-712-24-57

093-973-97-39

Xin trân trọng cảm ơn.

Biên tập: Hồ Sỹ Trúc

 

 

 
 
 

 

 


QUẢNG CÁO
Thống kê
Guests online: 3
Total: 59787177

 
 
 
Người xứ nghệ Kiev
Designed by July