Trang chủ Liên hệ       Thứ hai, Ngày 09/12/2024
 
 
THÔNG TIN
Giới Thiệu Hội
Trang Thể Thao
Sức khỏe & Đời sống
Ẩm thực Nghệ Tĩnh
Việt Nam Đất Nước Con Người
Khoa học & Môi Trường
Chuyện lạ đó đây
Nhịp cầu Nhân ái
DANH SÁCH TẤM LÒNG VÀNG
Tin tức Nghệ Tĩnh
Truyền thống Nghệ Tĩnh
Tâm sự cuộc sống
Văn hóa - Xã hội
Văn Nghệ
Thư Viện
Góc Cười
Tin Trong nước -Tin Quốc Tế -Tin Ucraina
Tin Cộng Đồng
Người Việt Trên Thế Giới
BÀI DỰ THI VỀ XỨ NGHỆ
  -  Trang Thơ
  -  Trang Văn
  -  Các thể loại khác
QUẢNG CÁO

 
Trang chủ > BÀI DỰ THI VỀ XỨ NGHỆ > Trang Văn >
  TIẾNG GỌI… GIẬT - Bài dự thi "Xứ Nghệ quê mình" của tác giả Ngọc Long - TP Hồ Chí Minh TIẾNG GỌI… GIẬT - Bài dự thi "Xứ Nghệ quê mình" của tác giả Ngọc Long - TP Hồ Chí Minh , Người xứ Nghệ Kiev
 

Sau thời gian dài khâu nối chuẩn bị, cuối cùng chuyến hành hương năm 2009 mang tên “Ấm Rừng Đồng Đội” về lại chiến trường Quảng Trị xưa cũng đã được các Cựu chiến binh Trung đoàn 27, nay là Trung đoàn Triệu Hải, thực hiện dưới sự khâu nối tổ chức và điều hành của “Tổng chỉ huy” Cựu chiến binh (CCB) – Nhà báo Lê Bá Dương, một người con ưu tú của xứ Nghệ anh hùng.

Hàng trăm CCB Trung đoàn cùng rất nhiều thân nhân Liệt sĩ (LS) trên khắp mọi miền đất nước đã về tham dự chuyến đi đó.

Chúng tôi cùng thống nhất với Nhà báo Lê Bá Dương chọn tên Ấm Rừng Đồng Đội để nói về ý nghĩa của chuyến đi. Những người tham dự sẽ cùng mắc tăng, võng ngủ đêm ở rừng Hồ Khê – Quảng Trị để các đồng đội còn sống, thân nhân LS, lãnh đạo và nhân dân địa phương được chia sẻ một đêm giữa rừng khuya lạnh lẽo với các LS đã nằm lại nơi lưng đèo, đầu suối, con khe.

Chiều hôm đó, sau khi đã tập kết tại rừng Hồ Khê, chúng tôi bắt tay vào việc mắc tăng, võng và căng lều trại khu sinh hoạt chung cho mỗi nhóm với quân số tương đương một tiểu đội. Quang cảnh lúc đó không khác gì cảnh dừng chân của một đội binh đang trên đường hành quân ngoài chiến trận. Chỉ khác ở chỗ, quân lính các đội chiến binh đa số phải là thanh niên trai tráng, còn trong đội hình của chúng tôi thì những người mặc quân phục đều đã ở độ tuổi… U60, 70, thậm chí U80 (ví dụ bác Ngô Minh Hớn - quê ở Vĩnh Thành, Yên Thành, Nghệ An - Nguyên Trưởng Ban Tuyên Huấn của Trung đoàn, khi đó đã ở tuổi 78).

Sau khi đã ổn định đội hình chuẩn bị cho giấc ngủ đêm Ấm Rừng Đồng Đội, các “tiểu đội” bắt đầu qua lại thăm hỏi nhau. Vì tôi ở lớp tuổi con cháu của Trung đoàn thời chống Mỹ nên được tùy thích chọn lựa nơi ở. Tôi đã ghé vào trại của nhóm đoàn các CCB tỉnh Thái Bình để giao lưu với mọi người. Vừa lúc có một người lính già tiến đến gần nhóm chúng tôi với một chân đi cà nhắc. Tuy vậy, ông vẫn có vẻ ngoài khá nhanh nhẹn và khỏe mạnh. Vừa cười hiền hậu, ông vừa chào hỏi mọi người.

Một trong các CCB đang đứng cùng chúng tôi lên tiếng hỏi:

-       Chào anh! Anh là thành viên của đoàn thuộc tỉnh nào? Một người cất tiếng hỏi.

-       Vâng, chào anh! Tôi là người của đoàn Lạng Sơn! Người lính già trả lời với giọng hơi lơ lớ âm hưởng của người miền Núi phía Bắc.

Người vừa hỏi liền nói tiếp: “Lạng Sơn à! Mình nhớ một kỷ niệm với một đồng đội Lạng Sơn hồi chiến đấu ở đây đấy! Hôm đó pháo giặc đánh nhiều. Mình và cậu ấy trú chung một hầm. Lúc pháo ngớt một lúc, cậu ấy bảo lên khỏi hầm, qua hầm bên tìm chút lương thực về cho mọi người để tiếp tục lấy sức đợi giặc. Cậu ấy vừa đi được một lúc thì pháo địch lại nống xuống. Tiếng pháo vừa dứt, mình chợt nghe tiếng la thất thanh và thấy cậu ấy ôm chân nhảy lò cò về hầm, vừa nhảy vừa la đứt quãng– Anh… Anh ơi! Em… em… mất… chân rồi.

Lúc đó, quả thật cậu ấy phải rất khỏe mới đủ sức chịu đau để ôm chiếc chân bị mảnh pháo phạt ngang đùi và nhảy lò cò về hầm như vậy. Mình vội vã đỡ cậu ấy xuống hầm và thực hiện các thao tác sơ cứu, băng tạm bên chân bị mất.

Thế rồi cuộc chiến tiếp tục kéo tụi mình đi, mình không biết giờ cậu ấy còn sống không!”.

Người lính già đoàn Lạng Sơn nghe đến đó vẫn nhẹ nhàng hỏi: “Đồng chí đó tên gì anh?”.

Từ từ mình nói, người CCB trong nhóm chúng lên tiếng. Đồng chí đó tên… Pằng! Đúng rồi, tên cậu ấy là Bằng nhưng bọn mình vẫn đùa gọi là Pằng, tiếng súng nổ, vì tác phong cậu ấy lúc nào cũng nhanh gọn như tiếng súng vậy!

Người CCB đoàn Lạng Sơn vẫn giữ trên môi nụ cười dễ mến, đồng thời không nhìn xuống nhưng lấy tay chỉ chỉ hướng xuống dưới đất.

Mọi người dường như vẫn chưa hiểu điều ông muốn nói, người lính già liền dùng tay chỉ chỉ tiếp vào chân mình và kéo nhẹ ống quần lên.

Thì ra chiếc chân khiến ông đi cà nhắc là một chiếc… chân giả.

-       Hả!!! Bằng ơi!!! Cậu là Bằng??? Ôi!!!!! Bằng ơi… Pằng ơi!!!!! Là Bằng sao??? Cậu vẫn còn sống đó ư!!! Người Cựu binh đoàn Thái Bình la lên.

-       Em… em… là Bằng đây!!! Ôi!!! Sao may quá anh ơi! Anh em mình lại được gặp nhau rồi!!!.  

Hai người lính già lao vào ôm chầm lấy nhau rồi khóc nấc lên làm cả nhóm chúng tôi vừa cười, vừa sụt sùi theo trong niềm xúc động hân hoan. Bốn mươi năm rồi, giờ cả hai tóc đã bạc màu nhưng họ ôm nhau khóc như những đứa trẻ gặp lại những người thân thiết sau những tháng năm dài ly biệt. Tôi cũng rơm rớm nước mắt khóc theo vừa vì chứng kiến một khoảnh khắc xúc động, vừa vì vui bởi chuyến đi đã có ý nghĩa ngoài sức tưởng tượng. Có lẽ vì câu chuyện đó, từ hôm đó và chuyến hành hương sau, tôi thường gần gũi chuyện trò với các CCB đoàn Lạng Sơn, với chú Bằng, chú Mộc, chú Long Nam....

Ngày hôm đó, cảnh ôm chầm lấy nhau thấm đẫm nước mắt đã diễn ra không ít. Những tình cảm của họ đã cho tôi – một người sinh ra sau chiến tranh - một sự cảm nhận về thứ tình cảm rất gần gũi với tình cảm của những người lính ngoài mặt trận đang đứng giữa lằn ranh sinh tử dành cho nhau.

 photo spt_zpsd2842d06.jpg

Những hình ảnh xúc động trong chuyến hành hương

Thời gian thấm thoắt thoi đưa. Sau chuyến hành hương năm 2009, CCB. Lê Bá Dương đã tiếp tục đứng ra tổ chức thành công chuyến hành hương về Quảng Trị mang tên “Đưa Quê Hương Vào Cho Đồng Đội” năm 2010 với cả gần ngàn CCB. và thân nhân Liệt sĩ trung đoàn 27 tham gia.

Chuyến hành hương thứ ba diễn ra vào năm 2012. Khi đó, vì tôi được cơ quan cử đi học xa nên chỉ có thể theo dõi tin tức qua mạng và điện thoại đường dài mà không thể về tham dự hành hương hoặc viết bài.

Đầu năm 2013, khi nghe tin về chương trình “Rước Linh Đồng Đội Về Với Quê Hương” sẽ được tổ chức vào tháng 5.2013, tôi đã quyết định lên lịch về nước tham dự chuyến đi. Chỉ còn hơn một tháng nữa là chương trình được thực hiện. Khi đó, tôi tin sẽ được gặp lại các khuôn mặt thân quen từ khắp mọi miền đất nước, tất nhiên sẽ có cả CCB. tên Bằng dễ mến, về họp mặt ở đất Nghệ An quê Bác.

Bất ngờ ngày 26.3.2012, tôi đọc trên các trang blogs của các CCB. Trung đoàn 27 một tin cáo phó về một đồng đội mang tên Hoàng Văn Bằng đã đột ngột từ trần vào chiều ngày 25.03.2013. Linh tính chuyện chẳng lành, tôi liền gọi điện cho một CCB trong nước: “Có phải là chú Bằng ở Lạng Sơn và có một chân giả không?”, tôi lo lắng hỏi.

     Đúng rồi đó cháu!- Phía đầu dây trong nước trả lời pha lẫn tiếng sụt sùi.

Tôi thẫn thờ cả người, tai như ù đi. Tôi không hỏi thêm nữa vì mọi câu hỏi khác đều trở thành vô nghĩa trước quy luật của tạo hóa. Mắt tôi nhòa lệ, lần này thì không còn là những giọt nước mắt hạnh phúc nữa, vậy là chú đã thực sự về với các đồng đội nơi xa thẳm hư vô rồi!

Hôm nay, tôi quyết định viết lại câu chuyện này xem như một nén nhang lòng thắp cho chú Bằng và tất cả đồng đội của các chú đã hy sinh trong các trận chiến năm xưa hay đã cùng nhau về bên kia thế giới sau ngày giải phóng.

Nơi xa xăm đó, chú Bằng hẳn cũng đã kể cho các đồng đội nghe về các chuyến hành hương đầy ý nghĩa đã được thực hiện nhiều năm sau ngày giải phóng, về các câu chuyện ngày gặp lại, về những người cựu binh Trung đoàn 27 hết lòng với đồng đội như Lê Bá Dương, Dương Doãn Ngụ, Nguyễn Phúc Sinh hay hàng trăm cựu binh còn sống khác.

Cuộc chiến mỗi ngày một xa vào trong quá khứ nhưng đất nước vẫn còn nhiều nỗi lo về chủ quyền biên giới cả trên biển lẫn đất liền. Tinh thần yêu nước và ý thức chủ quyền quốc gia trong mỗi con người luôn được bắt đầu từ các bài học lịch sử của dân tộc. Những chuyến hành hương với những câu chuyện có thật từ chính những người lính từng vào sinh ra tử là những bài học lịch sử thiết thực nhất cho toàn xã hội hôm nay và mai sau.

Mỗi năm, đồng đội cả nước thỉnh thoảng lại đau xót thông tin nơi này, nơi kia có người vừa ra đi về bên kia thế giới theo quy luật của tạo hóa. Nếu không tích cực nhanh chóng chú trọng tới chương trình hành hương của Nhà báo Lê Bá Dương và những người lính già hàng năm, chỉ không lâu nữa, chúng ta sẽ không còn được học những bài học lịch sử theo cách ý nghĩa nhất này nữa.

Ngọc Long - TP Hồ Chí Minh

 

Email: Lnguyen647@gmail.com


  Các Tin khác
  + Ba ca khúc của nhạc sỹ Phạm Minh Thuận dự thi " Xứ Nghệ Quê Mình" (09/10/2014)
  + CHỢ QUÊ - Bài dự thi "Xứ Nghệ quê mình" của tác giả Sĩ Nhiếp (29/09/2014)
  + CON SẼ VỀ - Bài dự thi "Xứ Nghệ quê mình" của tác giả An Nam (23/09/2014)
  + Thơ Trần Thị Bích Thảo - VỀ HÀ TĨNH (23/09/2014)
  + THƠ TÔI - Bài dự thi "Xứ Nghệ quê mình" của tác giả Sĩ Nhiếp (20/09/2014)
  + Bài dự thi viết về “ Xứ Nghệ quê mình” của Trần Thị Châu (05/09/2014)
  + Sáng tác dự thi Xứ Nghệ Quê Mình - Sáng tác Lê Xuân Hải - Phỏng thơ Hồ Sỹ Trúc - Trình bày Ca sĩ Đăng Thuật (02/09/2014)
  + Bài dự thi số 12 của Trường Hải Lê Văn Đông - TRE - VIỆT NAM (29/08/2014)
  + "Quê nghèo thắp sáng ước mơ" - Bài dự thi "Xứ Nghệ quê mình" của tác giả An Nam - Nghệ An (17/08/2014)
  + KHI TỔ QUỐC BÃO GIÔNG - Bài dự thi "Xứ Nghệ quê mình" của Nhạc sĩ Trần Xuân Lâm (05/08/2014)
  + BÀI THƠ BÊN BỜ THẠCH HÃN! - Bài dự thi "Xứ Nghệ quê mình" của tác giả Hoàng Thảo Chi - Huế (05/08/2014)
  + VIẾT Ở ĐỀN CUÔNG * - Bài dự thi "Xứ nghệ quê mình" của tác giả Bùi Ngọc Bích - Hà Tĩnh (04/08/2014)
  + HẦU CHUYỆN CỤ NGUYỄN DU (03/08/2014)
  + Bài dự thi "Xứ Nghệ quê mình" của tác giả Linh Tâm - Hà Nội (31/07/2014)
  + Bài dự thi số 2 “Xứ Nghệ quê mình”: CHUYỆN TÌNH ĐỒNG LỘC của tác giả Nguyễn Xuân Diệu - Hà Tĩnh (28/07/2014)
  + Bài dự thi số 11 "Xứ Nghệ quê mình": LÀNG TÔI - của tác giả Trường Hải Lê Văn Đông - Nghệ An (28/07/2014)
  + Bài dự thi "Xứ Nghệ quê mình" của tác giả Nguyễn Xuân Diệu - Nghi Xuân (Hà Tĩnh) (22/07/2014)
  + Bài số 2 dự thi "Xứ Nghệ quê mình" của tác giả Lê Thị Lan Trang (Mỹ Tho) - MẸ VÀ TỔ QUỐC (15/07/2014)
  + Bài dự thi "Xứ Nghệ quê mình" của tác giả An Nam (Thanh Chương - Nghệ An) - Mùa hến sông Lam (23/06/2014)
  + Bài dự thi "Xứ Nghệ quê mình" của tác giả Lê Thị Lan Trang (Mỹ Tho). (12/06/2014)
Playlist

GIỚI THIỆU
QUẢNG CÁO
Thống kê
Guests online: 3
Total: 65650712

 
 
 
Người xứ nghệ Kiev
Designed by July