Trang chủ Liên hệ       Chủ nhật, Ngày 05/05/2024
 
 
THÔNG TIN
Giới Thiệu Hội
Trang Thể Thao
Sức khỏe & Đời sống
Ẩm thực Nghệ Tĩnh
Việt Nam Đất Nước Con Người
Khoa học & Môi Trường
Chuyện lạ đó đây
Nhịp cầu Nhân ái
DANH SÁCH TẤM LÒNG VÀNG
Tin tức Nghệ Tĩnh
Truyền thống Nghệ Tĩnh
  -  Đất và người Xứ Nghệ
  -  Dân ca Nghệ Tĩnh
Tâm sự cuộc sống
Văn hóa - Xã hội
Văn Nghệ
Thư Viện
Góc Cười
Tin Trong nước -Tin Quốc Tế -Tin Ucraina
Tin Cộng Đồng
Người Việt Trên Thế Giới
BÀI DỰ THI VỀ XỨ NGHỆ
QUẢNG CÁO

 
Trang chủ > Truyền thống Nghệ Tĩnh > Đất và người Xứ Nghệ >
  Nhạc sĩ Dân Huyền Nhạc sĩ Dân Huyền , Người xứ Nghệ Kiev
 

Nghe bài hát Bên Lăng Bác Hồ do Ca sĩ Trọng Tấn trình bày

 

 
  

 Người ta biết đến nhạc sĩ - nghệ sĩ Dân Huyền, sinh năm 1938 (Mậu Dần), nhà ở ngõ 192 đường Giải Phóng, Hà Nội qua những ca khúc nổi tiếng như: Bên lăng Bác Hồ, Gửi anh một khúc dân ca, Lắng tiếng quê hương... từng phát trên sóng của Đài Tiếng nói ViệtNam. Mặc dù đã nghỉ hưu, nhưng với ông, tâm hồn vẫn chưa ngừng nghỉ, ông viết nhạc, làm thơ, viết báo... 

"Nhạc sĩ Dân Huyền tên thật là Phạm Ngọc Dần, sinh năm 1938, quê ở huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An. Ngay khi còn nhỏ mẹ ông đã dạy nhiều làn điệu dân ca quê hương; tình yêu đối với dân ca sâu đậm trong trái tim ông suốt cả cuộc đời.
    Thuở nhỏ ông học trong chủng viện xứ Đoài, Nghệ An; ở đây, ông được học lý thuyết âm nhạc, chơi đàn... Năm 1954, Dân Huyền chuyển về đoàn Văn công quân khu 4 với vị trí nhạc công, rồi về công tác tại Ty Văn hoá Nghệ An. Năm 1959, ông được về học trường Tuyên Huấn Trung ương, ra trường được cử về làm cán bộ văn nghệ nhà máy ô tô “Mồng một tháng năm” ở Hà Nội, ông tham gia viết báo, đặt lời mới cho hàng trăm bài dân ca…
Năm 1967 làm việc tại Đài Phát thanh tiếng nói Việt Nam, sau được phân công là trưởng phòng "Dân ca và nhạc cổ truyền”. Ông sáng tác nhiều ca khúc được mọi người yêu thích, nhưng đóng góp lớn nhất của ông là soạn lời hát cho các bài dân ca. Tuy đã nghỉ hưu từ năm 2001, ông vẫn hăng hái tham gia câu lạc bộ “Đàn và hát dân ca” của Đài với cương vị chủ nhiệm câu lạc bộ, chi hội trưởng chi hội Văn nghệ dân gian." 

Tâm sự của một nhạc sĩ họ Phạm

 

(Kính tặng nhạc sĩ Phạm Tuyên – Người thủ trưởng,và là người anh đã giúp đỡ tôi trên bước đường nghệ thuật.Đồng thời tặng các nhạc sĩ họ Phạm mà tôi quen biết và kính trọng)

 

   Mẹ sinh ra tôi vào giờ Dần lại đúng năm Dần (1938),nên tên khai sinh đầy đủ của tôi là Phạm Ngọc Dần. Mẹ tôi kể, khi sinh ra tôi tiếng khóc không to như các anh chị. Ông nội tôi bảo rằng, nghe tiếng khóc của nó giống như tiếng hát Ví của bà nội. Ông nội tôi giỏi văn thơ, bà nội tôi giỏi đàn hát. Tôi lớn lên trong vòng tay ấy nên hay học mót, học lỏm mỗi khi “hầu trà” các cụ yêu thơ yêu nhạc.
Quê tôi “sơn thủy hữu tình”. Cúi mặt xuống sông Lam vục nước, khi ngẩng đầu lên thì mắt đã chạm đỉnh núi Hồng Lĩnh. Giọng đò đưa trên sông cứ văng vẳng và dội vào sườn núi, dư âm cứ vang vọng lòng người theo tháng năm. Có lẽ vì những hình ảnh ấy mà suốt cuộc đời tôi bị quyến rũ và duyên nợ với âm nhạc, thơ ca.
Không hẳn vì tuổi Dần mà tôi gắn bó và yêu thích loài Hổ. Từ nhỏ, tôi đã rất thích sưu tầm tranh ảnh có con Hổ. Với thế giới loài vật, Hổ là một trong những loài có ích cho con người. Trong dân gian có câu “nam thực như Hổ”, với tôi có lẽ ngược lại. Ăn rất ít, uống cũng rất ít. Thời “hoàng kim” nhất trọng lượng cũng chỉ “nhỉnh” hơn 50kg, dần dà ngày càng tụt xuống đến mức không thể gầy hơn. Theo tôi, Hổ có sự thông minh theo cách của nó nên con người khó mà hiểu được. Có lẽ ai cũng thích cao Hổ nên cứ tìm diệt nó để bán với giá “hời”. Cũng là văn hóa dân gian đấy, nhưng tôi thấy buồn buồn. Hình như con người chưa công bằng lắm với Hổ?
Người ta bảo, ai sinh vào năm Dần cũng mang một số tính cách của con Hổ. Nhiều người cùng lứa tuổi, họ rất khỏe và đẹp (cả gái lẫn trai) lại chăm chỉ về mọi mặt. Với tôi thì ngược lại. Riêng khoản âm nhạc và thơ ca cũng vậy, tôi chỉ lao động khi nào cảm xúc tràn đến. Cứ ngỡ như là của “trời cho” và nó để lại những tác phẩm mà tôi tạm gọi là ưng ý như: Bên Lăng Bác Hồ, Cung đàn tuổi xanh, Lắng tiếng quê hương, Nhớ thuở Hùng Vương, Bông hoa Hồng Chiêm, Đêm Sài Gòn nghe vọng cổ, Mùa Xuân đúng hẹn lại về, Khúc hát tâm tình, Phong thư Sông Lam, Gửi anh một khúc dân ca, Duyên Quan Họ…
Tuy nhiên, nếu ai đó cho rằng, tuổi Dần là tuổi rất vất vả và thiệt thòi hay mang tiếng “thị phi” thì cũng có phần đúng. Tất nhiên, mỗi người một số phận, bên cạnh những “điểm cộng”, có “điểm trừ”; bên cạnh những lo âu có mỉm cười. Nghĩa là ai cũng có cái hay cái dở, có nỗi sướng khổ riêng. Nhìn chung, những ai tuổi Dần ít người được cái sung sướng, nhàn hạ vẹn toàn. Với tôi luôn luôn cảm ơn cuộc đời và số phận vì những gì mình có được như hôm nay, mặc dù người ta hay nói “năm tuổi là năm hạn”, nhưng tôi thì cho năm tuổi là năm “hên”, có nhiều may mắn và tốt lành. Nếu tính đến năm 2010- năm Hổ Vàng thì không phải tuổi Dần nào cũng vinh hạnh sống qua 2 thế kỷ (XX – XXI) và có thể được chứng kiến Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội, nơi mình đang cư trú. Nhờ Giời còn thương!
Vì là tuổi Mậu Dần (Mậu là Mẹ) lại sinh vào ngày 20/10 (ngẫu nhiên nhằm vào ngày Phụ nữ ViệtNam) nên thính giả Đài TNVN nghe tên Dân Huyền và các bút danh khác của tôi như: Phạm Ngọc Huyền, Đào Chung Thủy, Uyên Hồng… trong các chuyên mục, họ thường nhầm là phái nữ. Sự nhầm lẫn ấy thật đáng yêu. Có thư còn thổ lộ tâm tình thầm kín và viết rằng, có một ngày nào đó em sẽ về Hà Nội ở với chị, được tâm sự hết về cuộc đời buồn của em để chị nghe (!!?).
Những Tết năm Dần trước đây, nhiều người mừng tuổi tôi và không quên kèm theo câu: “Tuổi Dần là tuổi con Hổ, mà Hổ thì làm cho lắm kẻ phải sợ”. Tôi nói luôn: “Hổ tôi là Hổ giấy, Hổ nhựa, hiền lành, không làm hại ai, nên chẳng ai sợ”. Vì không ai sợ nên họ gần tôi và giúp đỡ tôi nhiều hơn. Tôi từng quản lý một đội ngũ văn nghệ (dù số lượng ít) và nghiệm ra rằng, đây là điều cực kỳ khó. “Con Hổ” này cứ phải tỉnh táo nhẹ nhàng “lách” từng bụi cây, “tránh” từng lá cây để khỏi gây ra tiếng động, nhằm tránh được thợ săn. Suy cho cùng thì quản lý văn nghệ đúng là như nước vớilửa. Điều khiển như thế nào để lửa làm sôi nước và điều khiển như thế nào thì nước sẽ làm tắt lửa. Tôi đã ý thức và tự điều chỉnh mình để khi lửa nhỏ thì cho thêm củi hoặc vặn “vô luym”của bếp ga tăng lên. Nếu lửa to quá thì bớt củi ra hoặc hạ bớt ga để nước sôi mà không trào ra bếp.
Dù đã vượt ngưỡng “Cổ lai hy” nhưng tôi rất thích Tin học. Niềm say mê ấy đã giúp tôi thực hành trên máy vi tính những bài thơ, những bài báo và nhất là tiếp cận với các phần mềm xử lý và sáng tác âm nhạc. Từ “Encore 4.0”, “4.2” rồi “4.5” và bây giờ là “5.0”, tôi đã làm một cuộc “đi tắt, đón đầu” để khỏi lạc hậu với thời cuộc. Vẫn biết là thế, nhưng cứ đi vào lĩnh vực Tin học thì thấy mình còn lẽo đẽo theo sau bao người khác, mình cứ phải gồng người lên mà vẫn không theo kịp những cái mới và liên tục đổi mới. Với tôi là cả một sự cố gắng, bởi tuổi tác nhiều thêm, bởi vốn tiếng Anh quá ít, bởi trình độ tiếp thụ chẳng nhanh. Nhiều khi muốn xa cái “vi tính” nhưng trót “yêu” nó rồi, lại tự động viên mình. Bà vợ khuyến khích, các con cũng tạo điều kiện, nên nghị lực như được nhân đôi tự giác mà học tập. Tôi chịu khó đọc sách, báo, tạp chí. Nhiều bài viết, những “mẹo vặt” và các trang “giải đáp thắc mắc”… đã làm cho tôi say mê hơn, thử sức mình để “khám phá Computer”, ít ra cũng tạo được sự phản ứng nhanh trước hai “con đường”: “Yes” và “No”.
Sách báo và mạng Internet đã trở thành người bạn đồng hành của tôi, bởi càng đọc, càng thực hành, mới thấy mình hụt hững quá nhiều về trình độ, tự nhủ lòng cần bền bỉ bổ sung. Cứ thế mỗi lần “En tơ” là một lần thở phào nhẹ nhõm.Tôi đang cố học sự “chịu chơi”trong môn ‘thư điện tử”(E-mail) và “Nhật ký điện tử”(Blog).Nó “luyện”cho mình có thêm tài”quên ngủ”mà thức đến quá nửa đêm,chờ khi”đường thông hè thoáng”trên không trung,nhằm”tải xuống”(Download),”phóng lên”(Upload) cho “sành điệu”.Hy vọng sẽ tiến bộ hơn trong học tập,ứng dụng tốt  cho nghề nghiệp của mình và hạn chế bớt sự “lão hóa” của bộ nhớ.Với phương châm”chưa biết thì hỏi,chưa giỏi thì học”đó cũng là niềm vui.
Tôi không nghĩ rằng, khi về hưu lại có ít thời gian đến vậy. Nhưng tôi vẫn thấy mình chưa quá già để không trả nổi những ân tình mà mọi người dành cho tôi. Tôi như “quả trứng”, không thể “khôn hơn Vịt”, nên luôn luôn muốn chia sẻ những tâm tư, suy nghĩ của mình với mọi người.
Tôi rất vui khi nhiều người vẫn nhận ra mình giữa đám đông. Có lẽ đó là phần thưởng lớn nhất của đời tôi. Tôi hay tự ví mình như cầu thủ đá bóng chuyên nghiệp, biết “giải nghệ” đúng lúc, khi khán giả vẫn còn luyến tiếc mình. Thấm thoắt đã hơn chục năm rồi …
Về hưu nhưng chẳng hắt hiu
Tôi luôn luôn miệng“thanh kiu”(thank you bạn bè
Ở xa thì nhắn“ống nghe”
Ở gần thì đến rủ rê đi cùng
Việc riêng cho đến việc chung
Hễ ai vời đến,sẵn lòng “âu kây” (ok).


Nhạc sĩ Dân Huyền

Điện thoại di động :  0987.170.784
E-mail :   dan_huyen2006@yahoo.com.vn

Nhạc sĩ Dân Huyền: Phía sau những nốt nhạc

    Nhiều người trong chúng ta đã thuộc lòng bài hát “Bên lăng Bác Hồ” của nhạc sĩ Dân Huyền và cũng biết rằng ông viết lên những giai điệu tuyệt đẹp ấy trong một lần được đến thăm công trường xây dựng lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh (1974). Nhưng còn có một Dân Huyền khác mà tôi muốn viết - Dân Huyền phía sau những nốt nhạc…


   1. Mấy năm nay, cứ đến khoảng đầu tháng 12, nhạc sĩ Dân Huyền lại ghé thăm tôi và tặng tờ lịch treo tường. Đó là tờ lịch của CLB Đàn và hát dân ca mà ông làm chủ nhiệm suốt 11 năm trời. Dân Huyền bảo, CLB còn nghèo, chỉ đủ kinh phí in lịch 1 tờ, cũng không được đẹp lắm, nhưng mang về quê treo thì vẫn được. Ông nói rồi cười. Nụ cười của người đã bước vào tuổi 72 với hàm răng đã rụng đi mấy chiếc. Tôi hiểu đó là cách nói của một người sinh ra và lớn lên ở xứ Nghệ vừa hóm hỉnh vừa quá hiểu đời. Và tôi nghĩ tờ lịch ấy dày hay mỏng, đẹp hay không đâu có gì quan trọng. Quan trọng là sự ấm áp ân tình. Mỗi khi tới, ông gõ cửa thật khẽ, như là sợ làm phiền tới người khác, rồi nếu thấy mọi người trong phòng đang làm việc thì ông khéo cáo lui; còn khi phòng vắng người, như năm nay chẳng hạn, Dân Huyền ngồi lại nhấp ngụm trà, và chuyện trò lâu lâu một chút. Ông chỉ nhấp trà, vì đơn giản ông là người không nghiện trà, không nghiện thuốc lá, bia bọt cũng không nhiều. 
   Thi thoảng trong năm, tôi lại nhận được giấy mời của ông mời tới tham dự hoạt động của CLB. Những khi ấy, tôi thường nghĩ về cái CLB do ông làm chủ nhiệm. Vì sao mà sau khi nghỉ hưu ông lại gắn bó được bền lâu với nó đến thế? Và rằng ở cái thời buổi mà các loại nhạc nở rộ như bây giờ, liệu có mấy ai còn thời gian mà tham gia Đàn và hát dân ca nữa hay không? Bây giờ ngồi trước mặt tôi, Dân Huyền cứ khẽ khàng nói mà như tâm tình. Rằng 11 năm trước, CLB Đàn và hát dân ca đã được Đài Tiếng nói Việt Nam ký quyết định thành lập và mọi người bầu ông làm chủ nhiệm. Hai năm đầu, mỗi tháng Đài chi cho CLB 2 triệu đồng để sinh hoạt, rồi sau đó cơ chế có nhiều thay đổi nên khoản tiền ấy đã bị cắt đi. Và cũng kể từ đó, CLB phải tự lo liệu mọi chi phí. Nhưng khi ấy, một người đã hưởng lương hưu như Dân Huyền cũng không khỏi đắn đo. Nhưng rồi cùng với những người tâm huyết, CLB dần thu nạp được nhiều hội viên, đến nay đã hơn 100 người, trong đó có cả người từ các vùng khác đến sinh hoạt. Nhưng kinh phí thì vẫn hạn hẹp, vì thế, 11 năm nay, tiếng là làm chủ nhiệm nhưng ông không lĩnh đồng lương nào. Dân Huyền bảo, ngay cả khoản tiền hội họp thường kỳ cho mọi người, ông cũng bảo anh em thủ quỹ là cứ để đến cuối năm, nếu ngân quỹ còn thì ông mới nhận.

   2. Không hiểu sao, khi có dịp làm việc hay chỉ là ngồi chuyện trò cùng ông như hôm nay, tôi vẫn giữ nguyên cái nhận xét rằng, trong cuộc đời của mình, hình như Dân Huyền không thuộc dạng người quyết đạt được mục đích bằng mọi cách. Dường như Dân Huyền đã xác lập cho mình một cách sống: lùi xa những ồn ào đàm tiếu, tránh đi tranh luận thị phi. Ông lặng lẽ sống, như có ý niệm nhận sự thua thiệt về mình. Nói như vậy có nghĩa là ông đã tìm một chốn lui về ở ẩn? Không phải vậy. Vì nếu muốn ở ẩn, hẳn rằng sau khi chia tay cuộc đời công chức, năm…, Dân Huyền đã quay về nơi chôn nhau cắt rốn của ông: xã Hưng Nhân, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An Nhưng ông đã không hành động như thế. Ông vẫn ở lại Hà Nội, với căn phòng trên tầng 4 ở khu tập thể Đài Tiếng nói Việt Nam. 
   Tôi đã tới căn phòng này nhiều lần. Đó là một không gian của Dân Huyền, với những đồ vật cũ, cái gì cũng nhỏ nhỏ xinh xinh, mang màu thời gian như cuộc đời ông đã trải. Trong những đồ vật quanh mình, có một vật dường như bất li thân của ông. Đó chính là chiếc đài nhỏ. Đến tận lúc này, nghe đài với ông vẫn là một thói quen hàng ngày khó bỏ. Bởi vì đó cũng chính là cái “không gian” đã gắn bó với ông suốt từ hồi trai trẻ. Nhưng khi ngồi trong căn phòng của ông, tôi thích những ngọn gió thổi xiên qua cửa sổ nhìn xuống con đường Giải Phóng luôn nườm nượp người, xe và khói bụi. Nhưng ở trên tầng cao này, khói bụi dường như rất ít. Không gian trong lành và cũng chính từ những khuôn cửa sổ này, mỗi sáng mỗi chiều, ông lại nhìn ngắm dòng người đang cuồn cuộn chảy, để ngẫm nghĩ, để viết ra những vần thơ “Tự trào”: “Lương thì thấp nhà thì cao/ Nhưng được khách quý ra vào thường xuyên/…Xế chiều nhưng vẫn còn duyên/ Được làm, làm được nên quên tuổi già”. 
   Dân Huyền viết nhạc, nổi tiếng với “Bên lăng Bác Hồ”, “Duyên quan họ”, “Gửi anh một khúc dân ca”, “Đêm Sài Gòn nghe vọng cổ” và là người bền bỉ sưu tầm, chỉnh biên, đặt lời mới cho những làn điệu dân ca thì nhiều người đã biết. Còn một Dân Huyền của những vần thơ và câu đố thì có lẽ ít người biết hơn. Tôi may mắn là người được trực tiếp biên tập và xuất bản cả 2 phần “ít người biết” đó của Dân Huyền. Đó là vào năm 2003, ông mang tới NXB Thanh niên đề nghị tôi biên tập và lo giúp “đầu ra” (nhờ người phát hành giúp) tập sách “777 câu đố dễ nhớ dễ thuộc”. Và cuối năm 2008, là tập thơ - nhạc “Chút tình Hà Nội”. Nếu tập sách câu đố về sau được tái bản (và được Dân Huyền bổ sung thành “999 câu đố…”) thì “Chút tình Hà Nội” lại chính là tập thơ - nhạc đầu tay của Dân Huyền. Vì thế, khi làm tập sách này, ông đã rất đắn đo chọn bài. Ban đầu, ông dự định chỉ in khoảng 50 bài thơ, và coi đó như món quả nhỏ dâng lên 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội. Nhưng khi đọc bản thảo, tôi đã gợi ý ông nên bỏ bớt một số bài ra và bổ sung bài viết về các địa danh mới được sáp nhập về Hà Nội cũng như một số bài hát về Thủ đô mà ông đã viết trong nhiều năm qua. Dân Huyền có vẻ ưng lắm với lời góp ý đó, và ông đã làm lại bản thảo của mình. Khi tập thơ - nhạc in xong, cũng đúng là dịp Hà Nội đang chìm trong trận lụt lịch sử. Ngồi trên căn phòng lộng gió của mình ở tầng 4, Dân Huyền gọi điện cho tôi, bảo rằng “may quá mình đã nhận đủ những tập thơ, và không có tập thơ nào bị ướt”. Mấy chục năm sống ở Hà Nội, lần đầu tiên nhận tập sách của mình từ nhà in chuyển tới lại đúng ngày Hà Nội chìm trong biển nước, cũng là một điều để ông có thêm chút tình cùng Hà Nội.

   3. Thực ra, kỉ niệm về Hà Nội của Dân Huyền không chỉ có những vần thơ thơm mùi cốm Vòng, thơm mùi Húng Láng, thơm hương làng lá Đại Yên, và ngạt ngào vị phở… Với ông, những kỉ niệm đèm đẹp về Hà Nội chỉ có thể cảm được chứ khó kể ra thành câu chuyện sinh động và hấp dẫn. Nhưng Dân Huyền tâm sự rằng, ông biết ơn mảnh đất này. Hà Nội không phải là nơi chôn rau cắt rốn nhưng Hà Hội đã cho ông nhiều thứ. Từ mảnh đất này, một chàng trai trẻ được Đảng kết nạp, trở thành một Đảng viên trẻ của Đài Tiếng nói Việt Nam để được những bậc đàn anh như Trần Lâm, Huỳnh Văn Tiểng tin tưởng giao phó nhiều công việc. Mảnh đất này đã cho ông có được người vợ hiền, cho ông một gia đình đầm ấm và hạnh phúc. Vì thế mà mấy tập sách của ông, hay những ca khúc nổi tiếng như “Bên lăng Bác Hồ”, “Lắng tiếng quê hương” cũng chỉ là hành động nhỏ bé để ông tri ân với Hà Nội – khi mảnh đất này đang bước vào ngàn năm tuổi.

   Khi viết tới những dòng cuối này, tôi lại nhớ tới hình ảnh của nhạc sĩ Dân Huyền – một người chỉ thích những đồ vật nhỏ xinh - ngồi trên chiếc xe Charly nhỏ, màu xanh, khẽ khàng lướt đi trên những con phố Thủ đô. Những lúc ấy, ông lẫn vào mọi người, và không ai nhận ra ông chính là người đã viết lên những giai điệu ngợi ca tuyệt đẹp…

Nguyễn Thanh Bình

Nguồn từ : hophamtphcm.org


  Các Tin khác
  + Ngắm cây cầu dài nhất tuyến cao tốc Bắc - Nam sắp hoàn thành (07/04/2024)
  + Khám phá vẻ đẹp huyền bí hang Dơi Khét trên núi Phá Èn (07/04/2024)
  + Ở một xã của tỉnh Nghệ An có con đường hoa gạo đỏ rực, người ta kéo đến quay phim, chụp ảnh (03/04/2024)
  + Vui hội đền Chín Gian (23/03/2024)
  +   Đón nhận Bằng xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh Khu lưu niệm Đại tướng Chu Huy Mân (17/03/2024)
  + Tưng bừng khai hội Đền Thanh Liệt năm 2024 (17/03/2024)
  + Công an Nghệ An xứng danh anh hùng, đồng sức đồng lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân (10/03/2024)
  + Những chiến sĩ áo trắng vùng biên: Quyết không bỏ nghề, tất cả vì sức khỏe nhân dân (06/03/2024)
  + Về "làng Khoa bảng " xem bà con nông dân làm du lịch (06/03/2024)
  + Dòng sông Mai Giang chảy qua thị xã nào của Nghệ An, có lễ hội gì mà vạn người trên bờ cổ vũ? (02/03/2024)
  + Nghệ sĩ Lê Thanh Phong và hành trình đưa ví, giặm vượt biên giới (01/03/2024)
  + Nhiều viên gạch quý hiếm tại đền thờ Trạng nguyên Hồ Hưng Dật (01/03/2024)
  + Lưu mãi nét đẹp văn hoá Thổ ở làng Mo Mới (01/03/2024)
  + Nghĩ về dòng chảy di sản văn hóa xứ Nghệ (01/03/2024)
  + Đặc sản thịt chua xứ Nghệ vào vụ Tết (30/01/2024)
  + Biển Cửa Lò ở Nghệ An có từ bao giờ, cái tên Thiên Cầm ở Hà Tĩnh sao lại liên quan đến Hồ Quý Ly? (30/01/2024)
  + Một cây cổ thụ 700 năm tuổi ở Hà Tĩnh tương truyền cứu vua Lê Thái Tổ nay vẫn xanh um, quả thơm khắp làng (30/01/2024)
  + TẢN MẠN CHUYỆN Ở XÓM... (02/11/2023)
  + Ngôi chùa nhà Trần với tích tiên nữ giáng trần dạo chơi, rửa chân ở Hà Tĩnh có gì đặc biệt? (16/10/2023)
  + Làng cổ ở Nghệ An là làng duy nhất của Việt Nam có tới 3 nhà khoa bảng giữ chức Tế tửu Quốc Tử Giám (16/10/2023)
Playlist

GIỚI THIỆU
 

Kính thưa quý độc giả 

Website nguoixunghekiev.vn

hoạt động chính thức từ tháng

10/2012. và  phi lợi nhuận.

Trang tin đăng tải tin tức 

của cộng đồng người Việt tại Kiev

và toàn Ucraina, đồng thời lấy tin 

từ các trang báo mạng khác trên

nguyên tắc trích dẫn nguyên bản 

đường nguồn chính. Là những

người làm báo không chuyên nên

chắc chắn sẽ gặp sai sót không

mong muốn, chúng tôi sẽ tiếp thu 

chân thành những góp ý xây dựng 

của quý độc giả để cho trang tin 

ngày càng hoàn thiện hơn, xin gửi

về mục liên hệ trên mặt báo hoặc

Email: hosytruc@gmail.com

ĐT: 093-712-24-57

093-973-97-39

Xin trân trọng cảm ơn.

Biên tập: Hồ Sỹ Trúc

 

 

 
 
 

 

 


QUẢNG CÁO
Thống kê
Guests online: 1
Total: 60694275

 
 
 
Người xứ nghệ Kiev
Designed by July