Trang chủ Liên hệ       Thứ bẩy, Ngày 27/07/2024
 
 
THÔNG TIN
Giới Thiệu Hội
Trang Thể Thao
Sức khỏe & Đời sống
Ẩm thực Nghệ Tĩnh
Việt Nam Đất Nước Con Người
Khoa học & Môi Trường
Chuyện lạ đó đây
Nhịp cầu Nhân ái
DANH SÁCH TẤM LÒNG VÀNG
Tin tức Nghệ Tĩnh
Truyền thống Nghệ Tĩnh
  -  Đất và người Xứ Nghệ
  -  Dân ca Nghệ Tĩnh
Tâm sự cuộc sống
Văn hóa - Xã hội
Văn Nghệ
Thư Viện
Góc Cười
Tin Trong nước -Tin Quốc Tế -Tin Ucraina
Tin Cộng Đồng
Người Việt Trên Thế Giới
BÀI DỰ THI VỀ XỨ NGHỆ
QUẢNG CÁO

 
Trang chủ > Truyền thống Nghệ Tĩnh > Đất và người Xứ Nghệ >
  TẢN MẠN CHUYỆN Ở XÓM... TẢN MẠN CHUYỆN Ở XÓM... , Người xứ Nghệ Kiev
 

 TẢN MẠN CHUYỆN Ở XÓM...

Tiết tháng 9, cái nắng nóng ở quê tôi vẫn còn ngồn ngột...
Tầm tầm chiều, khi mặt trời le lói phía sau Lèn Voi làng Nhân Sơn, cánh trung trung và một số các cụ cao niên trong xóm lại tụ tập ra Giếng Lọc ngồi hóng mát.
Giếng được xây dựng từ năm 1963, đó là một khoảng không gian yên bình của người Xóm Đồng, làng Quỳnh.
Cách khoảng vài trăm bước chân, cây xoan già đơn côi lặng lẽ soi mình xuống hồ cá ông D, dấu tích còn sót lại của Giếng Bà Cả. “Cái giếng...sống để bụng, chết mang theo những câu chuyện bí ẩn về chính mình đã có ngót một phần hai Thiên niên kỷ...và đến bây giờ vẫn là một bí ẩn”, ông M thở dài, tiếc nuối.
Khu vườn cây xanh tốt đằng kia là Đền Thần, từng nhóm người ăn mặc chỉnh tề vào dâng hương lễ Thần.
Lũ trẻ bám chân các cụ, thoả thích nô đùa trên con đường đi lên Nhà Thánh xưa.
Ông X tay cầm sào huơ huơ đàn vịt mới nở, lội theo tiểu câu ra kiếm ăn phía đồng Hiền Từ.
Không giống như thường lệ với những chuyện trên trời dưới đất...hôm nay, các cụ bàn tán xoay quanh chủ đề “Xây dựng Quỳnh Đôi thành điểm du lịch Văn hoá Lịch sử”
 
 
Trong lúc tranh luận, ánh mắt mọi người hướng về những “địa chỉ đỏ” xa xưa, những địa danh đã tạc nên dáng dấp của Làng tôi. Tôi đọc thấy trong những ánh mắt ấy như đang kết nối, giao thoa giữa hiện tại với quá khứ của văn hoá làng xã, và chính điều đó tiếp lửa cho các cụ để “mổ xẻ” càng sôi nổi hơn về cái được, cái chưa được và cách tiếp cận trong việc xây dựng làng Du lịch trên chính quê hương mình...
Tôi ngồi hóng chuyện trong khoảng không gian giàu chất văn hoá lịch sử của Làng, nhớ lại câu chuyện đã được nghe ở đâu đó...“PHONG THUỶ” trong xây dựng các công trình Tôn giáo, tín ngưỡng của cụm “di tích”: GIẾNG BÀ CẢ - ĐỀN THẦN – NHÀ THÁNH – NHÀ HIỀN TỪ.
Vùng đất được coi là “Đinh Long dẫn mạch, Đinh Thuỷ đáo đường” nổi lên với 4 công trình tín ngưỡng, tạo thành một TAM GIÁC ĐỀU có 3 đỉnh là Nhà Thánh; Đền Thần và Nhà Hiền Từ (tượng trưng theo không gian), TÂM TAM GIÁC là Giếng Bà Cả. Đó là sự cân bằng giữa các tín ngưỡng, kết nối và làm phong phú những yếu tố văn hoá truyền thống tạo nên bản sắc và giá trị văn hoá của Làng xã.
Giếng Bà Cả do bà Hồ Thị Thai tặng Làng, giếng được đào trong 3 năm từ năm 1420-1422 (bà là con gái đầu ông Hồ Hân - Khai quốc công thần triều Lê, vợ ông Phan Nghĩa - Phan Đại Tư Nông là Tổ họ Phan Hữu ở Quỳnh Đôi). Tương truyền khi đào giếng mạch nước dưới đáy giếng phun lên cao tận bờ giếng, phải dùng chum đại vừa to vừa nặng úp miệng mạch nước lại. Nước Giếng Bà Cả rất trong và rất ngọt, về sau giếng là nguồn nước cung câp cho dân xóm Thọ Khánh (xóm 3) và xóm Ngũ Phúc (xóm Đồng).
 
Đền Thần được Thượng tướng quân Bao Vinh Hầu Hồ Nhân Hy xây dựng khoảng năm 1530-1533, gọi là “Quỳnh Thiên Tự” (vùng Nhà VH thôn 6 bây giờ) nghĩa là nơi thờ Trời. Theo Cụ Phó Hương hội Nguyễn Xuân Lan giải thích “Các vị Tổ làng ta xưa theo Đạo Nho, Đạo Khổng và Đạo Lão nên gọi là Tam Giáo Đồng Nguyên, chỉ tin vào Trời, sống chết nhờ Trời. Việc làm tại người, thành công tự trời”, nên không thờ Phật. Đến giữa thế kỷ 17, Duệ Quân Công Hồ Sỹ Dương cho cho dời đền “Quỳnh Thiên Tự” ra Bụi Cụt và vẫn thờ Thiên Thần (sau này ta quen gọi là Chùa Quỳnh Thiên). Tục truyền Đền làm bằng tranh, cạnh Đền có gốc Dới cổ thụ. Vào một đêm trời mưa to, sét đánh...Đền cháy, gốc Dới chết. Lúc sét đánh các cụ thấy tia chớp chiếu về xứ Cồn Môi nên đã mời thầy địa lý giỏi về chọn đất để dựng đền Mạch “Đinh Long chuyển tôn”. Đền chính thức được xây dựng năm Cảnh Hưng thứ 12 (Năm Tân Mùi 1751). Đến năm thứ 2 vua Gia Long (Năm Quý Hợi 1803), Làng mới làm thêm 3 gian Tiền đường để phối tế 3 Cụ Tổ khai cơ Hồ - Nguyễn - Hoàng (Trước cổng Đền hiện nay vẫn còn đôi câu đối cổ “Đảo thừa địa mạch tôn kỳ miếu / Kính tự thiên thần phối dĩ nhân”). Năm 1805 ba vị Nhân Thần Hồ Hồng – Nguyễn Thạc – Hoàng Khánh được vua Gia Long phong sắc “Dực Bảo Trung Hưng Linh Phụ Tôn Thần”. Năm 1925, ngày vua Khải Định tuần tứ đại khánh, Đền được phong 4 Đạo sắc Thần khai cơ, thêm Cụ Hồ Kha.
Bao Vinh Hầu Hồ Nhân Hy lập lên Nhà Văn Thánh huyện vào năm Đại chính thứ 2 đời Mạc Đăng Doanh (Tân Mão 1531), xây dựng ở làng Thiện Kỵ (nay là xã Quỳnh Vinh), quê hương của cụ Lê Quỳnh đậu Tiến sỹ năm 1643 – khai khoa cho Nhà văn thánh Quỳnh Lưu. Nhưng sau được chuyển dời về Quỳnh Đôi và xây dựng lại trên đất ông Trần Cảnh (ông là người Quỳnh Đôi hiến đất), có thể coi đây là Văn chỉ hàng Huyện. Bài văn bia của Tiến sỹ Văn Đức Giai dựng năm Thiệu Trị thứ 5 (Năm Ất Tỵ, 1845) về việc sửa lại Nhà Thánh, có đoạn viết “Huyện ta xây dựng Nhà Thánh từ lâu đời, tương truyền trước ở Hoàng Mai, sau dời đến Quỳnh Lâm, không biết nền đất cũ ở đâu. Nay lại dời về phía Tây làng Quỳnh Đôi là đất của Cụ Hoàng Hải đời Lê (tức Trần Cảnh), người Quỳnh Đôi, hiệu Hoàn Hải tử, đậu Hương Cống thời vua Lê Kinh Tông (1601-1619), Ngài cúng cho Văn hội Quỳnh Đôi làm Văn chỉ. Đất ấy Đinh Long dẫn mạch, Đinh Thuỷ đáo đường, núi Thiên Mã ở phương Ly (Nam), lèn Bèo ở phương Canh (Tây), núi Quy Lĩnh ở phương Giáp (Đông). Thật là một nơi phong cảnh đẹp nhất trong huyện, nên Văn hội Huyện chọn đó làm nơi cúng tế".
Như vậy được hiểu Nhà Thánh được xây dựng vào thời nhà Lê (khoảng những năm 1600)
Đến giữa Nhà Lê, Tổng đốc Trần Lâm, người Kinh bắc cúng 2 toà nhà gỗ lim lợp ngói.
Năm Gia Long thứ 11 (Nhâm Thân 1812), Nhà Thánh được sửa lại.
Năm Thiệu Trị thứ 5 (năm 1845), Tiến sỹ Văn Đức Giai cùng các văn thân trong huyện sử lại Nhà Thánh lần nữa, mua sò ở Bùng, ngói Phú Lương làm nhà, xây tường, làm Nghi môn...tốn hết 2000 quan. Các ông: Ngự sử Trương Đình Hội, Án sát Hồ Trọng Toàn, Tiến sỹ Văn Đức Giai, Tri huyện Hồ Sỹ Tông, Tri huyện Dương Doãn Hài, Tri huyện Phạm Đình Toái, Tri phủ Hồ Trọng Định cúng đồ Khí tế.
Năm Tự Đức thứ 18 (Năm Ất Sửu, 1865), Tán lý Dương Doãn Hài cùng các Văn thân trong huyện lại sửa chữa Nhà Thánh theo kiểu Văn Miếu của Tỉnh, làm thêm 5 gian nhà toạ về phía Đông, tốn 4000 quan.
Đến năm 1961, Nhà Thánh bị dỡ, lấy vật liệu để làm trường học xã Quỳnh Đôi.
Nhà Hiền Từ, công trình tín ngưỡng duy nhất của Làng không thấy có tài liệu nào nhắc đến. Vì vậy, nhà được xây xựng năm nào, phá dỡ năm nào đến nay không được ghi chép lại, chỉ biết rằng ,khoảng những năm 1967- 1972 vẫn còn.
Tương truyền Làng xây nhà Hiền Từ là nơi để thờ và ghi ơn những người có công đức với làng xã được nhân dân ái mộ, thường là những nhân vật được truyền tụng trong dân gian....
Càng về chiều, không khí càng mát dần, những làn gió mang hương đồng nội từ Rục Thánh, Hiền Từ, Cồn Môi luồn vào thành giếng ngọt lịm.
Trong xóm, đã có tiếng í ới gọi lũ trẻ về ăn cơm.
Còn phần tôi, tối nay có thằng bạn nối khố ở quê chiêu đãi món ngan giả cầy O Thoả bán tại phiên chiều Chợ Nồi, mới thoạt nghe mà đã nhỏ dãi...

Hồ Quang Vũ
 

  Các Tin khác
  + Cầu Nhe - nơi ghi dấu tinh thần quả cảm của 53 liệt sỹ (23/07/2024)
  + Vô xứ Nghệ thăm quê Bác (13/07/2024)
  + Về lại Nậm Nơn (02/07/2024)
  + 48 giờ ở Nghệ An (17/06/2024)
  + Bến Thủy - cây cầu thế kỷ của xứ Nghệ (09/06/2024)
  + Đôi vợ chồng "thổi hồn" vào dân ca ví, giặm (06/06/2024)
  + 9 điểm du lịch hấp dẫn không thể bỏ qua khi đến miền Tây xứ Nghệ (26/05/2024)
  + Trần Đình Sơn - "cánh chim đầu đàn” của điền kinh Hà Tĩnh (25/05/2024)
  + Nghệ An: Cả làng kiếm bộn tiền từ con đặc sản "cưỡi máy bay xuất ngoại” (20/05/2024)
  + Chiêm ngưỡng hàng cây xà cừ cổ thụ trên quê hương Bác (20/05/2024)
  + Đổi thay trên quê hương Bác (20/05/2024)
  + Sáng tháng Năm về thăm quê Bác (16/05/2024)
  + Xúc động Chương trình nghệ thuật “Làng Sen nuôi chí lớn” (10/05/2024)
  + Ngược biên giới gặp anh nông dân hiến tặng 4.000m2 đất xây trường (10/05/2024)
  + 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: Gặp người lính "khoét núi, ngủ hầm" (08/05/2024)
  + Ngắm cây cầu dài nhất tuyến cao tốc Bắc - Nam sắp hoàn thành (07/04/2024)
  + Khám phá vẻ đẹp huyền bí hang Dơi Khét trên núi Phá Èn (07/04/2024)
  + Ở một xã của tỉnh Nghệ An có con đường hoa gạo đỏ rực, người ta kéo đến quay phim, chụp ảnh (03/04/2024)
  + Vui hội đền Chín Gian (23/03/2024)
  +   Đón nhận Bằng xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh Khu lưu niệm Đại tướng Chu Huy Mân (17/03/2024)
Playlist

GIỚI THIỆU
QUẢNG CÁO
Thống kê
Guests online: 10
Total: 62546141

 
 
 
Người xứ nghệ Kiev
Designed by July