TIN LIÊN QUAN
Xem Video: Thêm chứng cứ mới về vụ án Hồ Duy Hải | FBNC
Trong đơn kêu oan, luật sư Trần Hồng Phong cung cấp thêm bút lục ghi lời khai nhân chứng cho thấy Hồ Duy Hải có chứng cứ ngoại phạm trong vụ án gíêt người xảy ra ở bưu điện Cầu Voi, tỉnh Long An hồi 13/1/2008.
Cũng trong hôm nay, ông Phan Đình Trạc, trưởng Ban Nội chính Trung ương yêu cầu tập trung nghiên cứu, tham mưu cho Ban Bí thư về vụ án Hồ Duy Hải.
Về người thanh niên có mặt ở bưu điện trước 19h15 trong vụ án Hồ Duy Hải
Liên quan đến vụ án tử tù Hồ Duy Hải, ngày hôm nay 3/7, xuất hiện thêm tình tiết mới. Theo đó, luật sư Trần Hồng Phong, người bảo vệ quyền lợi cho Hồ Duy Hải, cùng gia đình người thân của tử tù này gửi đơn kêu oan lên Chủ tịch nước, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Chánh án TAND Tối cao, viện trưởng VKSND Tối cao đề nghị xem xét vụ việc.
Đặc biệt, Hồ Duy Hải có thêm bằng chứng ngoại phạm trong vụ án mạng gíêt hai nữ nhân viên bưu điện Cầu Voi, xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An hồi năm 2008.
Theo đơn trình bày của luật sư Trần Hồng Phong, các bản án sơ thẩm và phúc thẩm, hay thậm chí là quyết định Giám đốc thẩm (ngày 8/5/2020) đều thể hiện khoảng 19h13 ngày 13/1/2008 Hồ Duy Hải gọi điện thoại ở tiệm cầm đồ, sau đó Hải ghé quán cà phê, trả tiền nợ cho bạn, rồi chạy về bưu điện Cầu Voi và có mặt ở đây khoảng 19h30. Diễn biến tiếp theo là Hồ Duy Hải ra tay gíêt chết hai nạn nhân (Nguyễn Thị Ánh Hồng (23 tuổi) và người em họ tên Nguyễn Thị Thu Vân (21 tuổi).
Bản án đối với tử tù Hồ Duy Hải thể hiện có nhiều nhân chứng nhìn thấy một nam thanh niên có mặt tại bưu điện vào khoảng thời gian này, và trong lời khai Hải cũng thừa nhận việc mình có mặt ở bưu điện và gíêt 2 nạn nhân.
Tuy nhiên, trong đơn kêu oan, luật sư Trần Hồng Phong cho biết, thời gian gần đây, ông tiếp nhận được nhiều bút lục, mà bản thân tin tưởng rằng đây chính là các bút lục nằm trong hồ sơ nhưng đã được rút ra khỏi hồ sơ vụ án (có đóng dấu bút lục của VKSND tỉnh Long An).
Đặc biệt, trong số những bút lục này có lời khai của anh Hồ Văn Bình.
Theo đó, lời khai của anh Hồ Văn Bình được lấy sau khi vụ án mạng xảy ra ngày 20/1/2008 như sau:
“Chiều chủ nhật 13/1/2008, lúc 19h15 phút tôi có vào Bưu điện gửi xe gắn máy để đi bộ qua nhà anh Hai tôi. Khi vào tôi thấy ngoài sân bưu điện có một xe gắn máy, tôi không chú ý nên không xác định được là loại xe gì. Tôi đậu xe phía bên dân phòng, đi lại cửa bưu điện nhưng không đi vào bên trong. Tôi nhìn vào thì thấy Vân ngồi ở quầy tính tiền, còn Hồng ngồi ở ghế salon với một thanh niên”, anh Bình khai. “Lúc tôi kêu Vân tôi gửi xe thì người thanh niên này có nhìn ra phía tôi. Người này mặc áo sơmi trắng, không xác định ngắn hay dài tay, không để ý loại quần, thấy mặt hơi tròn, nhìn thấy người hơi ốm, nước da trắng. Tóc ngắn nhưng chải ngược lên, các đặc điểm khác không xác định được, độ tuổi khoảng 23-24”, người này khai tại cơ quan Công an.Sau đó điều tra viên có tên Lê Thành Trung hỏi anh Bình vì sao anh xác định gửi xe lúc 19h15.
“Tôi xác định là 19h15 phút vì hôm đó anh Hai đi lấy vàng chưa về. Tôi có nhìn đồng hồ ở nhà anh Hai, xác định là 19h15 phút, tôi nói anh Hai hôm nay về muộn. Khi tôi qua nhà anh Hai, anh Hai chưa về, tôi quay lại lấy xe thì Hồng và thanh niên đó vẫn ngồi bình thường, còn Vân đứng dựa vào quầy nhìn ra phía Hồng và thanh niên”, anh Bình cho biết.Như vậy, theo luật sư Trần Hồng Phong căn cứ vào lời khai của anh Bình và tình hình thực tế thì lúc 19h13, Hồ Duy Hải vẫn còn ở tiệm cầm đồ, và chưa thể về đến bưu điện để ngồi cùng Vân trong bưu cục.
Ngoài ra, về lời khai này của anh Hồ Văn Bình, ngay trong quyết định Giám đốc thẩm của hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao cũng đã thể hiện. Tuy nhiên, trong quyết định này chỉ nêu vào lúc hơn 19h anh Bình tới bưu điện gửi xe thì thấy một thanh niên ngồi trong bưu cục với Hồng, sau đó quay lại lấy xe thì vẫn thấy người này ngồi cùng Hồng.
Đề nghị khởi tố vụ án có dấu hiệu làm sai lệch hồ sơ liên quan Hồ Duy Hải
Bên cạnh nội dung kêu oan cho tử tù Hồ Duy Hải, đơn của luật sư Trần Hồng Phong còn tố cáo hành vi cố ý làm sai lệch hồ sơ vụ án của các cán bộ tiến hành tố tụng như thời gian qua đại diện VKSND Tối cao, các ĐBQH và báo chí đã đặt vấn đề.
Luật sư Trần Hồng Phong phân tích, có bằng chứng rõ ràng rằng lúc 21h nạn nhân Vân còn đi mua trái cây, nhờ kiểm tra hình ảnh từ camera của cây xăng gần đó.
“Như vậy, các số liệu về thời gian, lời khai của nhân chứng và nhận định của các cơ quan tố tụng về thời gian hung thủ ra tay với 2 nạn nhân chưa phù hợp”, luật sư nêu rõ.Với những phân tích này, luật sư Trần Hồng Phong đề nghị khởi tố vụ án làm sai lệch hồ sơ vụ án đối với những cá nhân liên quan đối với công tác tố tụng của vụ án Hồ Duy Hải.
Loạt bằng chứng ngoại phạm của Hồ Duy Hải
Trước đó, ngày 13/5/2020, cùng với đơn kêu cứu, đại diện gia đình và luật sư Trần Hồng Phong cho hay đã giao nộp chứng cứ khẳng định Hồ Duy Hải ngoại phạm.
Theo luật sư Trần Hồng Phong, sau phiên tòa xét xử giám đốc thẩm, từ một số thông tin và hình ảnh vụ án mạng bất ngờ xuất hiện, ông đã rà soát lại hồ sơ vụ án và đã phát hiện ra thêm một tình tiết ngoại phạm của Hồ Duy Hải. Cụ thể, nếu xem xét lại biên bản khám nghiệm hiện trường và các tài liệu về pháp y thì cho thấy hung thủ sát hại nữ nhân viên bưu điện Cầu Voi chắc chắn thuận tay trái.
“Đó là thông qua cơ chế hướng vết cắt trên cổ hai nạn nhân, cho thấy hung thủ sát hại hai nữ nhân viên chắc chắn phải là người thuận tay trái. Trong khi đó, tử tù Hồ Duy Hải là người thuận tay phải”, luật sư Trần Hồng Phong chia sẻ với báo giới.Theo luật sư Trần Hồng Phong, sau khi vụ án xảy ra, ngày 14/1/2008, cơ quan điều tra đã cho khám nghiệm tử thi và giám định pháp y tử thi thể của 2 nạn nhân Nguyễn Thị Ánh Hồng (23 tuổi) và Nguyễn Thị Thu Vân. Theo đó, kết quả cho thấy hai nạn nhân đều bị cắt rất sâu ở vùng cổ. Đường cắt của nạn nhân Hồng là từ trái sang phải, nạn nhân Vân có hướng vết cắt từ phải sang trái.
Sau đó hai tháng, Hồ Duy Hải bị bắt và bị đưa ra truy tố, xét xử sau khi bị xác định chính Hải là hung thủ duy nhất, “đã dùng tay phải cầm dao cắt cổ hai nạn nhân từ phía trước”.
Tuy nhiên, theo luật sư Trần Hồng Phong, khi xem xét hướng vết cắt trên cổ hai nạn nhân, về mặt khoa học pháp y hoàn toàn xác định được hung thủ thuận tay trái.
Ngoài ra, luật sư Phong phân tích, đối với nạn nhân Hồng, khi bản giám định pháp y xác định trên cổ nạn nhân Hồng còn có vết cắt hướng từ trái sang phải, như vậy, nếu nếu hung thủ ngồi trên người nạn nhân, hướng phía trước và đối diện (giống tư thế của Hồ Duy Hải khi thực nghiệm điều tra và khai) cắt cổ nạn nhân, và có hướng cắt như từ trái sang phải thì chắc chắn hung thủ sẽ phải là người thuận tay trái.
Trong khi đó, Hồ Duy Hải là người thuận tay phải và theo thực nghiệm vụ án, Hải “tay trái cầm tóc nạn nhân, tay phải cầm dao lồng phía dưới tay trái cắt đi cắt lại 2 cái vào cùng cổ của Hồng làm đứt cổ họng”, thì không thể gây ra vết cắt có hướng từ trái qua phải trên cổ nạn nhân Hồng.
Vì Hồ Duy Hải là người thuận tay phải, vì vậy, luật sư Trần Hồng Phong cho rằng đây chính là tình tiết ngoại phạm mới của Hồ Duy Hải.
Đối với nạn nhân V., khi kết luận pháp y xác định có vết cắt từ phải sang trái, theo luật sư Phong, nếu hung thủ là người thuận tay trái thì cơ chế hình thành vết cắt sẽ là: hung thủ đứng phía sau nạn nhân.
Ngoài ra, luật sư Trần Hồng Phong nói, một bức ảnh hiện trường vụ án (chỉ mới xuất hiện trong 4 - 5 ngày nay) cho thấy tại vị trí nằm của nạn nhận Hồng, bên cạnh có tấm thớt dính đầy máu, sợi mì tôm được nấu chín rớt vãi xuống đất, đối chiếu với tình tiết trong hồ sơ “thức ăn trong dạ dày đã nhuyễn” cho thấy đêm xảy ra án mạng có thể có biểu hiện ăn uống vào giờ khuya, hung thủ gần như chắc chắn là người quen biết với một trong 2 nạn nhân.
Trên cơ sở lập luận khoa học pháp lý, luật sư Trần Hồng Phong đề nghị các cơ quan có thẩm quyền tiến hành xác minh, kiểm tra lại tình tiết ngoại phạm về vết dao cắt trên cổ hai nạn nhân cho tử tù Hồ Duy Hải, tránh làm chết oan người vô tội, đồng thời, tránh bỏ lọt tội phạm.
“Theo các tài liệu về tội phạm học cho thấy tỷ lệ hung thủ cắt cổ nạn nhân từ phía sau cao hơn phía trước. Vì tư thế tấn công từ phía sau sẽ bất ngờ, khiến nạn nhân gần như không thể chống cự. Trong khi đó, nếu cắt cổ từ phía trước sẽ khó hơn nhiều vì nạn nhân dùng tay, chân chống cự lại. Trong vụ án này, gần như hung thủ là người rất thân quen hai nạn nhân, trong bối cảnh đã khuya và có ăn uống. Điều này cho thấy suy luận liên quan đến hai người yêu của nạn nhân là N.M.S và N.V.N. Tuy nhiên, rất tiếc trong hồ sơ vụ án không có thông tin xác định tình tiết ngoại phạm của hai người này”, nội dung đơn tố cáo nêu rõ.Đoàn giám sát Quốc hội từng chỉ ra thiếu sót, vi phạm trong vụ án Hồ Duy Hải
Cũng trong một diễn biến liên quan, trước đó, ngày 16/6, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đã tổ chức phiên họp toàn thể để xem xét, đánh giá toàn bộ vụ án Hồ Duy Hải. Một trong trọng tâm là xem xét tính đúng đắn, hợp pháp của quyết định giám đốc thẩm vụ án này.
Đây không phải lần đầu tiên, Ủy ban Tư pháp họp để đánh giá vụ án Hồ Duy Hải. Tại nhiệm kỳ Quốc hội khóa trước, một đoàn giám sát do Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu làm trưởng đoàn, thực hiện công tác giám sát về tình hình oan, sai, đã xem xét một số vụ án cụ thể để phục vụ giám sát tối cao của Quốc hội, bao gồm vụ Hồ Duy Hải.
Đoàn giám sát sau đó đã có báo cáo số 870 ngày 20/5/2015 về kết quả giám sát “Tình hình oan, sai trong việc áp dụng Pháp Luật về Hình Sự, tố tụng Hình Sự và bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng Hình Sự theo quy định của Pháp Luật”.
Đoàn giám sát nhận định vụ án có “những thiếu sót, vi phạm dẫn đến nghi ngờ về tính khách quan của kết luận điều tra, truy tố, xét xử”.
Đặc biệt trong báo cáo của Đoàn giám sát vụ án Hồ Duy Hải năm 2015 có đoạn: Đối với vụ Hồ Duy Hải (Long An) bị kết án tử hình về các tội gíêt người, cướp tài sản, trước thời điểm thi hành án tử hình thì có đơn của gia đình và luật sư kêu oan cho Hải.
Cụ thể, theo yêu cầu của Chủ tịch nước và yêu cầu của đoàn giám sát, liên ngành viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, tòa án Nhân dân Tối cao, Bộ Công an cùng vào cuộc tiến hành xem xét vụ án này và đến nay có kết luận cho rằng việc kết án tử hình đối với Hồ Duy Hải về những tội danh kể trên là “có căn cứ Pháp Luật, quá trình điều tra còn một số vi phạm, thiếu sót, nhưng không làm thay đổi bản chất vụ án”.
Những thiếu sót, vi phạm đó có thể kể đến như: quá trình khám nghiệm hiện trường không chú ý xem xét để thu giữ những đồ vật liên quan đến dấu vết trên cơ thể nạn nhân như cái thớt, chiếc ghế inox, con dao nên sau này khi bị can khai ra là hung khí vụ án thì cái thớt, con dao đã bị thất lạc không tìm lại được, chiếc ghế thu giữ sau này được cho là vật chứng không đúng với chiếc ghế phản ánh trong biên bản khám nghiệm và bản ảnh hiện trường.
Việc sử dụng thời gian của Hải vào ngày xảy ra vụ án thiếu chính xác, chưa chặt chẽ, một số biên bản ghi lời khai, hỏi cung bị tẩy xóa, sửa chữa nhưng không có chữ ký xác nhận của người khai; động cơ, mục đích gíêt người nêu trong các kết luận của các cơ quan tố tụng chưa phù hợp với diễn biến vụ án.
Đoàn giám sát nhận định trong báo cáo số 870 nêu rõ: “Đây là những thiếu sót, vi phạm dẫn đến nghi ngờ về tính khách quan của kết luận điều tra, truy tố, xét xử”.
Ban Nội chính Trung ương tham mưu cho Ban Bí thư về vụ án Hồ Duy HảiPhát biểu tại Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm của Ban Nội chính Trung ương sáng nay 3/7, Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc yêu cầu tập trung nghiên cứu, tham mưu cho Ban Bí thư về vụ án Hồ Duy Hải và chỉ đạo giải quyết các vụ việc khiếu kiện đông người, gây mất an ninh trật tự ở trụ sở các cơ quan Đảng, nhà nước.
Đồng thời tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác theo dõi, nắm tình hình, đôn đốc, hướng dẫn về công tác nội chính, phòng chống tham nhũng ở địa phương và các bộ ngành Trung ương, nhất là vấn đề nổi lên về an ninh trật tự, các vụ việc nghiêm trọng, phức tạp và các vụ việc báo chí phản ảnh, dư luận quan tâm liên quan đến nhân sự Đại hội Đảng các cấp.
Trưởng ban Nội chính Trung ương yêu cầu các đơn vị cần phải bám các vụ án, vụ việc để kịp thời tham mưu, chỉ đạo tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và đẩy nhanh tiến độ xử lý các vụ việc theo kế hoạch của Ban Chỉ đạo.