Karsten-Dirk Hinzmann
Moskva – Tổng thống Nga Vladimir Putin đang tăng cường quyền lực cho các cơ quan mật vụ, khi trao lại cho họ quyền kiểm soát một số nhà tù – động thái khiến giới hoạt động nhân quyền lo ngại về sự hồi sinh của hệ thống “Gulag” thời Stalin.
Aleksandr Podrabinek, nhà hoạt động nhân quyền kỳ cựu thuộc tổ chức Rights in Russia, cho biết:
“FSB – kế nhiệm của KGB – đang lấy lại các nhà tù của mình”.
Bình luận này nhằm vào một dự luật vừa được Duma – Hạ viện Nga – thông qua, theo đó FSB sẽ có quyền xây dựng mạng lưới các trại giam riêng, nằm ngoài hệ thống tư pháp thông thường, theo Reuters đưa tin.
Di sản thời Xô Viết trở lại
Trước đây, vào năm 1996 – thời điểm Nga gia nhập Hội đồng châu Âu – các nhà tù và trại cải tạo từng được chuyển về quyền quản lý của Bộ Tư pháp nhằm tách khỏi ảnh hưởng của cơ quan an ninh quốc gia. Việc trao trả nay dự kiến bắt đầu từ đầu năm 2026.
Các nghị sĩ Nga biện minh rằng FSB “cần” các trại tạm giam riêng vì sự gia tăng hoạt động gián điệp và phá hoại từ nước ngoài kể từ khi Nga phát động cái gọi là “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ukraine vào tháng 2 năm 2022.
Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng đây là bước lùi nghiêm trọng về nhân quyền và dân chủ, đánh dấu sự xa rời hơn nữa của Nga khỏi các chuẩn mực châu Âu.
FSB – Bóng ma Gulag và mục tiêu chính trị
Theo nhà báo Podrabinek, hệ thống trại giam riêng của FSB không giống các nhà tù thông thường. Mục tiêu không chỉ là trừng phạt mà là khuất phục ý chí chính trị của người bị giam – thường là các nhà hoạt động, nhà báo, trí thức đối lập.
“Trong khi một vụ án hình sự bình thường cần chứng cứ tối thiểu, thì các cơ quan an ninh lại tìm cách bẻ gãy ý chí, buộc nhận tội sai và ăn năn hối cải – tốt nhất là công khai”, Podrabinek viết.
Theo các nguồn tin độc lập, FSB đang kiểm soát ít nhất 7 nhà tù lớn, từng nằm dưới quyền KGB thời Xô Viết, tại: Saint Petersburg, Moscow (Lefortovo, Matrosskaya Tishina), Rostov-na-Donu, Krasnodar, Vladikavkaz và Chelyabinsk.

Nhà tù mới – Luật lệ mới
Các dự luật bổ sung đang được chuẩn bị cho phép FSB:
-
Tự tổ chức hệ thống vận chuyển tù nhân (bằng mọi phương tiện);
-
Tự ra hình phạt đối với tù nhân bị xem là “gây rối”, không cần thông qua tòa án.
Theo ông Vasily Piskarev – Chủ tịch Ủy ban An ninh và Chống tham nhũng Duma – các trung tâm giam giữ này sẽ giúp cách ly hoàn toàn các nghi phạm, tránh họ “liên lạc với đặc vụ nước ngoài hoặc các nhóm khủng bố”.
Tờ Moscow Times gọi đây là “một phần của bộ máy an ninh ngày càng phình to”, dùng để đàn áp bất đồng chính kiến, đe dọa xã hội dân sự và củng cố quyền lực của Điện Kremlin giữa chiến tranh Ukraine.
Đàn áp chính trị gia tăng – Danh sách tội phạm chính trị ngày càng dài
Những người chỉ trích chiến tranh, nhà báo độc lập, nhà hoạt động xã hội dân sự – đặc biệt sau các vụ tấn công như vụ nổ cầu Crimea hay phản công của Ukraine – đều có thể bị buộc tội “tuyên truyền hoặc cổ vũ khủng bố”. Các bản án có thể lên tới 10 năm tù hoặc hơn, và hiện có ít nhất 1.500 tù nhân chính trị, theo báo Le Monde.
Nhà phân tích Leonid Gozman nhận định:
“Điện Kremlin nhắm vào hai nhóm chính: những người viết – những người lên tiếng, và các nhà hoạt động – những người hành động. Họ là những người không chịu im lặng.”
Bầu không khí sợ hãi bao trùm xã hội Nga
Theo nhà nghiên cứu Gugushvili (ĐH Oslo), nhà nước Nga đang cố tạo ra “bầu không khí sợ hãi và áp bức”, để khiến người dân không tin nhưng buộc phải chấp nhận chiến tranh như một “lẽ tất yếu” vì tổ quốc.
Tuy nhiên, chiến tranh càng kéo dài, chi phí càng tăng – sự chịu đựng của người dân Nga dường như đang đến giới hạn, bất chấp sự im lặng bên ngoài.
Tái sinh một hệ thống trại giam đàn áp để củng cố quyền lực
Việc trao lại quyền quản lý nhà tù cho cơ quan an ninh không chỉ là hồi sinh một di sản tăm tối của Liên Xô, mà còn phản ánh chiến lược kiểm soát xã hội bằng đàn áp tinh vi của chính quyền Putin.
Trong bối cảnh cuộc chiến tại Ukraine vẫn chưa có hồi kết, Moscow không chỉ chiến đấu bên ngoài biên giới – mà còn tiến hành một cuộc chiến ngầm tàn khốc trong lòng nước Nga, với mục tiêu duy nhất: bảo vệ chế độ.
BÁO NGƯỜI XỨ NGHỆ KYIV LƯỢC DỊCH
Zurück in die Zukunft: Putin gibt dem Geheimdienst seine Gefängnisse wieder
|